Các nhà khoa học Hàn Quốc đã công bố một "bản đồ gen độ phân giải cao" của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19, một đóng góp quan trọng trong cuộc đua điều chế vaccine phòng dịch, báo South China Morning Post đưa tin.
Nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu RNA thuộc Viện Khoa học cơ bản Seoul cho biết bản đồ gen này tập hợp những kiến thức về di truyền, giúp các nhà khoa học nghiên cứu kỹ hơn về đặc tính và vòng đời của virus SARS-CoV-2.
"Bản đồ gen này sẽ giúp chúng ta hiểu về cách virus nhân lên và cách chúng né tránh hệ miễn dịch của con người" - đồng chủ nghiệm công trình - bà V. Narry Kim nói.
Virus né tránh hệ miễn dịch của con người
Ngày 9-4, báo cáo nghiên cứu đã được đăng trên tập san Cell, một tạp chí mang tính thẩm định, trước khi nó đủ điều kiện để đăng tải chính thức trên các tạp chí khoa học.
Bà V. Narry Kim (giữa) và hai thành viên khác thuộc nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu RNA, Viện Khoa học cơ bản Seoul. Ảnh: SCMP
Mã di truyền của virus SARS-CoV-2 là đoạn RNA chuỗi đơn. Chúng có thể tạo thành các đoạn RNA con có độ dài ngắn hơn. Một số đoạn RNA con trong số này có nhiệm vụ tạo ra các protein phục vụ chu trình sống của virus.
Công trình nghiên cứu đã sử dụng hai kỹ thuật giải mã trình tự ARN khác nhau và xác định được những đoạn RNA con nào được dùng để tạo ra các protein có lợi cho virus. Nhóm nghiên cứu cũng tìm được hàng chục đoạn RNA con chưa từng được phát hiện trước kia.
"Mặc dù cần tiếp tục nghiên cứu, những sự kiện ở cấp độ phân tử này có thể dẫn đến sự biến đổi tương đối nhanh của virus. Vẫn chưa rõ liệu những thay đổi này có tác dụng gì, song có khả năng chúng sẽ giúp virus tránh được sự tấn công (từ hệ miễn dịch - PV) của vật chủ" - và Kim nói.
Chuyên gia Kim cho biết nhóm của bà sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu chức năng của các đoạn RNA con và xem xét liệu sự biến đổi của chúng ảnh hưởng thế nào đối với quá trình nhân lên của virus và sự phản ứng của hệ miễn dịch ở con người.
Tín hiệu vui cho công tác tìm kiếm vaccine
Viện Khoa học cơ bản Seoul cho rằng các đoạn RNA con vừa được phát hiện có thể trở thành mục tiêu của các nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, bằng cách vô hiệu hóa các protein có khả năng giúp virus né tránh hệ miễn dịch của con người.
Giáo sư Lee Hoanjong đến từ Bệnh viện Nhi Đại học Quốc gia Seoul cho rằng kết quả nghiên cứu đã cho phép giới khoa học dự đoán các loại protein có trong chủng virus này, từ đó giúp ích cho việc phát triển vaccine.
Trong khi đó, Giáo sư Lisa Ng thuộc Mạng lưới Miễn dịch học Singapore (cơ quan nghiên cứu được chính phủ Singapore tài trợ) nói các nghiên cứu của Hàn Quốc "cung cấp cái nhìn đầu tiên" để hiểu các yếu tố dịch bệnh học của đại dịch COVID-19.
Những kết quả trên cũng sẽ hỗ trợ cho các nghiên cứu chuyên sâu hơn để "xác định cơ chế lây nhiễm và phản ứng của người mang virus" - bà Lisa nói tiếp.
Minh họa một đoạn RNA và các đoạn RNA con trong báo cáo của nhóm nghiên cứu. Ảnh: CELL
Các đóng góp này của các nhà khoa học Hàn Quốc là một phần trong những nỗ lực của giới khoa học toàn cầu trong việc nghiên cứu, giải mã gen để tìm ra cách phòng ngừa và chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19.
35 nhóm đang chạy đua nghiên cứu vaccine
Theo các chuyên gia y tế, thế giới hiện có khoảng 35 công ty và các tổ chức nghiên cứu đang nỗ lực chạy đua trong việc điều chế vaccine ngăn ngừa dịch COVID-19 với các đơn vị mũi nhọn tập trung Mỹ, Trung Quốc, Đức, Pháp...
Ngày 16-3, người đầu tiên trong nhóm 45 tình nguyện viên người Mỹ đã được tiêm thử nghiệm mũi đầu tiên vaccine mRNA-1273, theo tạp chí Time. Đây là loại vaccine do Viện Y tế quốc gia Mỹ và công ty công nghệ sinh học Moderna hợp tác nghiên cứu và phát triển với hy vọng có thể bảo vệ người dân trước virus SARS-CoV-2.
Ngày 17-3, Arcturus Therapeutics, một viện nghiên cứu khác ở bang California (Mỹ), cũng tuyên bố hoàn thành nghiên cứu vaccine và kháng thể đối với virus gây dịch COVID-19 và đang đề nghị được thử nghiệm lâm sàng trên người, theo hãng tin Reuters.
Một loại vaccine khác cũng sẽ sớm được thử nghiệm ở Trung Quốc. Giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng sẽ sớm được bắt đầu ở Vũ Hán với 108 người tình nguyện khỏe mạnh. Quá trình thử nghiệm đã được chính phủ Trung Quốc cấp phép, tờ Nhân Dân Nhật Báo ngày 18-3 cho hay.
Tính đến 2 giờ chiều 11-4, thế giới đã phát hiện hơn 1.700.000 ca nhiễm COVID-19, theo chuyên trang theo dõi số liệu Worldometer. Trong đó, 102.760 người đã tử vong và hơn 376.500 bệnh nhân đã được chữa khỏi.