Đột phá mới: Dùng huyết tương người trong điều trị COVID-19

Hãng tin Reuters ngày 8-4 cho biết ngày càng có thêm nhiều quốc gia công bố kết quả thành công trong việc dùng liệu pháp huyết tương của người bệnh phục hồi điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Trong bối cảnh thế giới vẫn chưa điều chế được vaccine đặc hiệu với virus SARS-CoV-2, kết quả này sẽ mang lại hi vọng về hướng điều trị cho dịch COVID-19 hiện nay. Nhiều nước cũng ngay lập tức bắt tay vào quá trình thử nghiệm phương pháp được đánh giá là đầy hứa hẹn này.

Tín hiệu khả quan bước đầu

Theo hãng tin Yonhap, các chuyên gia thuộc ĐH Yonsei (Hàn Quốc) vừa thông báo ứng dụng thành công huyết tương của người bệnh hổi phục trong việc điều trị hai ca nhiễm COVID-19.

Hai bệnh nhân, một người 71 tuổi và một người 67 tuổi, được ghi nhận không còn ở tình trạng viêm phổi cấp sau khi tham gia. 

Bệnh nhân COVID-19 được truyền huyết tương tại một bệnh viện ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2-4. Ảnh: AFP

Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) Kwon Jun-uk khẳng định: “Chúng tôi bắt đầu tiến hành thử nghiệm với hi vọng kháng thể có trong huyết tương của bệnh nhân COVID-19 phục hồi có thể giúp những bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang trong tình trạng nghiêm trọng. Các kết quả cho thấy việc truyền huyết tương giúp thúc đẩy nhanh sự phục hồi ở bệnh nhân và giảm khả năng phát tán virus”.

Các nhà nghiên cứu Hàn Quốc cũng nhận định liệu pháp huyết tương có thể trở thành phương pháp điều trị thay thế cho những bệnh nhân nguy kịch không thích ứng với các loại thuốc kháng virus.

Tuy nhiên, về lâu dài cần tiến hành các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn hơn để chứng minh thêm về tính hiệu quả của huyết tương.

Trong khi đó, chuyên san PNAS của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ gần đây cũng cho đăng một báo cáo mới xác nhận việc sử dụng liệu pháp huyết tương giai đoạn hồi phục để điều trị bệnh nhân nhiễm virus gây dịch COVID-19 cho kết quả tích cực.

Cụ thể, thí nghiệm sử dụng huyết tương trong điều trị dịch bệnh được một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Giao thông Thượng Hải thực hiện tại Trung Quốc với 10 bệnh nhân tuổi từ 10-38 tuổi. 

Trong vòng ba ngày được truyền huyết tương, các triệu chứng lâm sàng ở bệnh nhân như sốt, ho, khó thở và đau tức ngực dần cải thiện.

Trong vòng bảy ngày được truyền huyết tương, diện tích các vùng tổn thương phổi đã thu hẹp. Nhóm nghiên cứu cũng không ghi nhận bất kỳ phản ứng phụ nghiêm trọng khi tiến hành truyền huyết tương.

Một nhóm nghiên cứu khác cũng thực hiện phương pháp tương tự trên năm bệnh nhân nặng và tất cả đều có dấu hiệu khả quan trong vòng 10 ngày.

Dù mới chỉ là sơ bộ, song kết quả từ hàng loạt các thí nghiệm khác nhau đều chỉ ra rằng liệu pháp huyết tương tương đối an toàn và có tiềm năng điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19. Tín hiệu tín cực cũng mở đường cho các công tác nghiên cứu sâu hơn để đưa liệu pháp vào thử nghiệm lâm sàng. 

Nhiều nước bắt tay vào nghiên cứu

Theo tờ South China Morning Post, đến nay nhiều nước đã bắt tay vào việc sử dụng phương pháp điều trị ứng dụng huyết tương.

Đơn cử, các nghiên cứu tương tự dự kiến bắt đầu ở Anh trong vài tuần tới. Đài BBC cho biết Cơ quan Huyết học quốc gia Anh đang tiến hành sàng lọc máu từ bệnh nhân nhiễm COVID-19 để tìm huyết tương giàu kháng thể sử dụng trong các thử nghiệm. 

Mỹ cũng không đứng ngoài cuộc trong cuộc đua mới mẻ này. Với dự đoán phải ít nhất một năm nữa mới có vaccine và hiện chưa có biện pháp điều trị nào hiệu quả, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) tháng trước đã thông qua việc áp dụng phương pháp chữa trị bằng huyết tương cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng nếu không có lựa chọn nào khác.

Bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi tham gia hiến huyết tương ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc hồi tháng 2-2020. Ảnh: REUTERS

Nhờ FDA bật đèn xanh, Trung tâm huyết học bang New York đã bắt đầu kêu gọi các bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã phục hồi khẩn trương hiến huyết tương để bào chế các dịch truyền giàu kháng thể. 

Về phía tư nhân, Chủ tịch tập đoàn công nghệ sinh học Emergent BioSolutions (Mỹ) Robert Kramer cho biết sẽ sớm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai phương pháp điều trị dựa trên công nghệ huyết tương vào mùa hè này.

“Chúng tôi có hai chương trình nghiên cứu điều trị bệnh, trong đó có một chương trình sử dụng huyết tương của người. Hiện đã có các chứng minh về mức độ an toàn dựa trên công nghệ này, tạo cho chúng tôi cơ hội có thể áp dụng vào dịch COVID-19 hiện nay. Chúng tôi sẽ nhanh chóng sản xuất một sản phẩm để đưa vào giai đoạn hai thử nghiệm trong hè này”, đài CNN dẫn lời ông Kramer khẳng định.

Khó khăn còn tồn đọng

Dù đã có kết quả hứa hẹn nhưng giới y khoa các nước vẫn còn nhiều lo ngại do các thử nghiệm đến nay đều được thực hiện trên số lượng bệnh nhân không nhiều.

Trong khi đó, một số bệnh nhân có kết quả khả quan cũng sử dụng đồng thời nhiều phương pháp điều trị khác bao gồm cả thuốc chống virus Remdesivir.

Vì vậy, để đảm bảo huyết tương có thể là phương pháp điều trị thực sự cần phải tiếp tục được tiến hành thử nghiệm trên quy mô lớn và đồng bộ hơn.

Ngoài ra, cũng có những nghi ngại về nguy cơ an toàn với liệu pháp sử dụng huyết tương, như khả năng lây truyền các tác nhân gây bệnh khác có trong máu của người cho huyết tương.

Do vậy, ngay cả khi được chứng minh là hiệu quả, khả năng mở rộng để điều trị số lượng lớn bệnh nhân bằng huyết tương cũng sẽ khó khăn hơn nhiều so với liệu pháp khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm