Tính đến 19 giờ 30 tối 8-4, trang thống kê Wordometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới có 83.365 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), 1.446.694 ca nhiễm.
Như vậy, so với sáng cùng ngày, số ca tử vong tăng 1.446 người, số ca nhiễm tăng 21.960 người. Hiện đại dịch đã lan ra 209 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngoài ra, thế giới cũng có 309.121 bệnh nhân đã xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 7.350 người so với sáng cùng ngày.
Nhân viên y tế Iran tại một khu cách ly tập trung ở thủ đô Tehran ngày 2-4. Ảnh: AFP
Tình hình Nga nghiêm trọng, một ngày tăng kỷ lục hơn 1.000 ca nhiễm
Tờ The Moscow Times dẫn nguồn các cơ quan y tế Nga ghi nhận chỉ trong 24 giờ nước này đã có thêm 1.175 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số bệnh nhân lên 8.672 người. Số nạn nhân tử vong tăng thêm năm người, lên 63 trường hợp.
Moscow tiếp tục là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch khi tăng đến 660 ca nhiễm mới trong ngày qua, lên 5.841 người với 31 trường hợp tử vong.
Ở phiên làm việc với các chuyên gia y tế ngày 7-4 (giờ địa phương), Tổng thống Vladimir Putin lưu ý Nga vẫn chưa đạt đỉnh dịch. Do đó, các cấp chính quyền liên bang lẫn địa phương phải hết sức chú ý theo dõi diễn biến dịch và học hỏi kinh nghiệm chống COVID-19 của các nước khác, tránh phạm những sai lầm của họ.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Khoa học Quốc gia về virus học và công nghệ sinh học Nga Rinat Maksyutov khẳng định sẽ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu với ba loại vaccine vào ngày 29-6 trên 180 tình nguyện viên.
Ông Maksyutov còn nhấn mạnh đã có đủ các nền tảng công nghệ vaccine được thử nghiệm trên người đối với những bệnh truyền nhiễm khác và có thể áp dụng cho COVID-19.
Trung tâm này cũng cho biết đang lập kế hoạch nghiên cứu tiền lâm sàng vào ngày 22-6 trước khi tiến hành thử nghiệm vaccine trên người. Tuy nhiên, thử nghiệm đầu tiên trên người có thể bắt đầu ngay vào tháng 5 “nếu Bộ Y tế cho phép”.
Iran có gần 4.000 ca tử vong, triển khai loạt biện pháp khẩn cấp
Hãng tin Reuters ngày 8-4 dẫn nguồn cơ quan y tế Iran cho biết nước này trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 121 nạn nhân tử vong COVID-19, nâng tổng số người thiệt mạng lên 3.993 trường hợp.
Cũng trong khoảng thời gian trên, quốc gia Trung Đông này đã ghi nhận thêm 1.997 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số bệnh nhân tính đến nay lên 64.586 người.
Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn lây lan nhanh, Tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố một số công ty sẽ tiếp tục phải đóng cửa cho đến khi có thông báo tiếp theo. Tuy nhiên, những công ty nào mà hoạt động của nó không tạo ra nguy cơ lây lan dịch bệnh sẽ được phép mở cửa trở lại từ ngày 11-4.
Cùng ngày, Tổng thống Rouhani đã hối thúc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông qua khoản tín dụng khẩn cấp trị giá 5 tỉ USD cho nước này để đối phó với dịch COVID-19. Theo ông, Iran là một thành viên của IMF và không nên có sự phân biệt đối xử nào trong việc cho vay.
Bên cạnh đó, tổng thống Iran cũng chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Mỹ vi phạm các hiệp ước y tế quốc tế, coi đây là "sự khủng bố về y tế và kinh tế".
Một quan chức IMF cho biết đang thảo luận với Iran nhằm hiểu rõ nhu cầu tài chính cần hỗ trợ của quốc gia nước này.
WHO bác bỏ cáo buộc "thiên vị Trung Quốc" của Mỹ
Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Hans Kluge ngày 8-4 đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng tổ chức này thiên vị Trung Quốc khi liên tục ghi nhận nỗ lực chống dịch của Bắc Kinh, theo hãng tin Reuters. Ông cũng không đồng ý lời đe dọa sẽ cắt viện trợ của Washington.
"Chúng ta vẫn đang trong giai đoạn chứng kiến sự lây lan nhanh của dịch bệnh nên tôi không cho đây là lúc nên nói về chuyện cắt giảm tiền tài trợ" - ông Kluge cho biết.
Trước đó, ông Bruce Aylward, chuyên gia cấp cao của tổng giám đốc WHO, cũng bảo vệ mối quan hệ giữa tổ chức này với Trung Quốc, nhấn mạnh tất cả chỉ vì công việc. Vị này cũng tiếp tục bảo vệ các khuyến nghị trước đó của WHO về việc các nước không nên đóng cửa biên giới.
Theo ông Aylward, khuyến cáo của WHO dựa trên việc Trung Quốc đã rất nghiêm túc xác định các trường hợp bị nhiễm và những người có liên quan để bảo đảm rằng những người này không đi lung tung, lây nhiễm cho người khác.
Dù vậy, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus vẫn tiếp tục giữ thái độ im lặng trước những cáo buộc của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trước đó, trong họp báo ngày 7-4, Tổng thống Trump đã bất ngờ chỉ trích WHO và cáo buộc WHO lại nghiêng về phía Trung Quốc trong đại dịch COVID-19 khi tổ chức này nhận tiền của Mỹ nhiều nhất.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng chỉ trích WHO đã khiến mọi thứ trở nên trầm trọng hơn và cho rằng nếu ông làm theo khuyến nghị của WHO và không đóng cửa biên giới với người Trung Quốc thì tình hình tại Mỹ chắc chắn còn tồi tệ hơn rất nhiều.
Theo Reuters, Mỹ trong năm 2019 đã đóng góp cho WHO hơn 400 triệu USD và là quốc gia góp tiền nhiều nhất cho các tổ chức trực thuộc Liên Hiệp Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ đóng góp 44 triệu USD cho WHO.