Tại buổi tọa đàm về giải pháp thúc đẩy cho vay cá nhân hậu COVID-19 do chuyên trang Trí thức trẻ phối hợp với CafeF tổ chức sáng 20-5, TS Cấn Văn Lực cho biết tính đến quý I-2020, dư nợ tín dụng đạt khoảng 8,3 triệu tỉ đồng, tương đương 134% GDP, trong đó cho vay doanh nghiệp chiếm 55%, cho vay cá nhân chiếm đến 45%. Rõ ràng, một lượng vốn tương đối khổng lồ là dành cho cá nhân, hộ gia đình.
"Tôi dự báo, tín dụng sẽ tăng trở lại, đến hết quý II sẽ đạt khoảng 3,5%-4%. Và đến hết năm 2020 kỳ vọng tăng trưởng tín dụng ở mức 9%-10%. Đạt được điều này sẽ là mức tăng trưởng tín dụng khá cao trong khu vực.
Điều này là có cơ sở vì nhu cầu về vốn của người dân và doanh nghiệp đang phục hồi trở lại và sẽ tăng tương đối lớn trong thời gian đến vì phát triển kinh tế - xã hội của chúng ta đang ở mức tương đối cao so với khu vực", ông Lực nói.
Một số ý kiến cho rằng việc kiểm soát tốt dịch bệnh, khôi phục dần các hoạt động sản xuất thì nhu cầu vay vốn sẽ tự tăng lên.
Tại hội nghị trực tuyến với Thủ tướng mới đây, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết hạ lãi suất xuống thấp hơn song sẽ không hạ chuẩn cho vay vì các tổ chức tín dụng cũng huy động tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế nên vẫn phải bảo đảm an toàn vốn vay, an toàn hoạt động để không gây tác động tiêu cực tới toàn bộ nền kinh tế.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tỉ lệ tăng trưởng tín dụng đang bắt đầu tăng trở lại, tính đến giữa tháng 5 đạt mức 1,2%, tăng nhẹ so với mức 0,8% so với giữa tháng 4.