Thống kê sơ bộ từ bảng điểm của các tỉnh, TP, có thể thấy kỳ thi năm nay điểm 10 trải khắp các bài thi, điều chưa từng có trong những mùa thi năm trước.
“Mưa” điểm 10
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, cả nước có tổng cộng 68 điểm 10. Trong đó toán có tám điểm 10, vật lý 12, hóa 15, lịch sử 5, địa lý 9, ngoại ngữ 15 và sinh học có năm điểm 10.
Tuy nhiên, thống kê sơ bộ điểm thi THPT từ một số tỉnh, thành cho thấy số lượng thí sinh đạt điểm 10 năm nay ở các môn thi rất nhiều.
Đơn cử cụm thi Hà Nội có đến 622 điểm 10, đây cũng là cụm thi có số lượng điểm 10 cao nhất cả nước. Trong đó, môn sử có một điểm 10, GDCD 10, lý 13, sinh 34, toán 43, địa 46, hóa 19 và môn có nhiều điểm 10 nhất là ngoại ngữ với 283 điểm 10.
Thống kê tại TP.HCM cho thấy có 453 điểm 10 ở các môn thi. Ngoại trừ môn văn, các môn còn lại đều có điểm 10. Trong đó môn toán có 19 điểm 10, môn sử 1, GDCD 15, địa lý 5, vật lý 4, sinh học 56. Hai môn có điểm 10 cao ngất đó là hóa học (139) và ngoại ngữ (214).
Đà Nẵng có 77 điểm 10 ở các môn thi. Nghệ An có 203 điểm 10.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2017 tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Việc tràn ngập điểm 10 năm nay không nằm ngoài dự đoán của nhiều giáo viên khi đề thi được đánh giá là khá dễ thở, các môn thi, trừ môn văn đều thi với hình thức trắc nghiệm.
Chiều 6-7, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng đã lên tiếng về hiện tượng “mưa” điểm 10. Thứ trưởng chia sẻ đó là những học sinh rất giỏi, khi các em chỉ làm mỗi câu hỏi trong hơn một phút. Thêm nữa, đề thi đã được chuẩn hóa, được rút ra từ ngân hàng câu hỏi ngẫu nhiên nên phản ánh đúng năng lực học sinh. Điều này cho thấy việc thi bằng hình thức trắc nghiệm đã được phát huy tác dụng tốt.
Môn lịch sử và sinh học “đội sổ”
Theo đó, phổ điểm thấp nhất của TP.HCM là môn sinh học và lịch sử khi chỉ có khoảng 44,5% học sinh đạt điểm trên trung bình môn sinh học và hơn 50% với môn lịch sử. Đây là hai môn hầu như năm nào cũng có phổ điểm thấp và năm nay tiếp tục giữ “kỷ lục”. Toàn TP có hơn 27.000 thí sinh dự thi môn lịch sử nhưng hơn 13.000 thí sinh có điểm dưới trung bình. Ngoài ra, số thí sinh bị điểm liệt cũng lên đến hơn 200 em. Chỉ duy nhất một học sinh đạt điểm 10 môn này.
Điều đáng nói đây là môn thành phần trong bài thi tổ hợp khoa học xã hội và là bài thi tự chọn của các thí sinh chứ không phải bắt buộc nhưng dù vậy điểm của các em vẫn quá thấp.
Trong khi đó, thống kê tại Đà Nẵng cho thấy có đến 75% bài thi dưới 5 điểm ở môn lịch sử và môn sinh là 72% dưới điểm 5.
Một giáo viên dạy lịch sử tại một trường THPT ở TP.HCM, rất bất ngờ vì điểm thi môn này thấp như vậy, bởi lẽ đề thi năm nay khá cơ bản, đều thuộc những kiến thức lớp 12 các em đã học. Số câu khó cũng không nhiều. Kết quả này quá thấp khiến giáo viên cũng nhận ra nhiều điều từ việc học của các em.
Theo cô giáo này, thực ra vấn đề là do khi chia theo tổ hợp môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội đã gây khó khăn cho các em trong việc ôn tập và thi. Bởi lẽ năm nay số thí sinh chọn thi tổ hợp tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đều khá cao, trung bình 35-55. Tuy nhiên, hầu như các em chọn bài này năm nay vì để an toàn là chính, những em chọn thường là cảm thấy yếu các môn khoa học tự nhiên, hoặc học bình bình không biết nên chọn bài thi nào, hoặc các em thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Trong số đó chỉ gần một nửa số em chọn vì yêu thích các môn này và có năng lực khá thực sự. So giữa hai bài thi thì các môn trong khoa học xã hội vẫn dễ đạt điểm hơn, nhất là địa lý và GDCD nên lịch sử điểm thấp là điều dễ hiểu.
Thầy Phan Minh Anh Tuấn (Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Đà Nẵng) phát biểu theo quan điểm cá nhân: “Nguyên nhân là tổng hợp của cách dạy, cách học và sách giáo khoa lịch sử hiện nay. Tôi nghĩ cách viết sử của ta có vấn đề. Mặc dù đến nay đã trải qua nhiều đợt cải cách nhưng cách dạy, cách học và sách giáo khoa đều còn mang dáng dấp cũ, có thể nói là chưa đổi mới, không sáng tạo. Tổng thể môn lịch sử: nhàm chán, không hấp dẫn. Hiện nay lớp trẻ giữa muôn vàn thông tin thu hút thì sử nước ta với tình trạng như vậy làm sao thu hút được sự đam mê của học sinh”.
Thí sinh nộp đơn xin phúc khảo bài thi từ ngày 7 đến 17-7 tại nơi thí sinh đăng ký dự thi. Ngày 18-7, Sở sẽ chuyển dữ liệu phúc khảo đi và ngày 24-7 sẽ hoàn thành chấm phúc khảo bài thi. Chậm nhất ngày 26-7 hoàn thành xét tốt nghiệp THPT sau phúc khảo. _____________________________ Ngày 12-7, các sở GD&ĐT phải hoàn thành việc xét công nhận tốt nghiệp THPT để đến ngày 14-7 gửi báo cáo xét tốt nghiệp về cho Bộ GD&ĐT và công bố kết quả tốt nghiệp THPT. Ngày 17-7, cấp giấy chứng nhận tạm thời và trả học bạ, giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh (đối với thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH được phát duy nhất một bản kết quả). |