Ngày 6-5, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu về tổ chức thi tốt nghiệp THPT.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã lưu ý những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện nghiêm túc về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Trong đó có 4 nhiệm vụ chính được siết chặt, bao gồm:
Thứ nhất: các sở GD&ĐT cần tiếp tục chỉ đạo các nhà trường dạy học, ôn tập theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay chủ yếu tập trung kiểm tra kiến thức cơ bản, giảm các câu hỏi khó và mức độ khó của đề thi. Vì vậy, công tác ôn tập cần có sự điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu mới của kỳ thi, giúp học sinh ôn thi nhẹ nhàng, không áp lực. Không để học sinh ôn thi không căng thẳng.
Thứ hai, bộ trưởng đề nghị các địa phương sớm thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, trong đó phân công rõ công việc, nhiệm vụ, trách nhiệm cho từng thành viên.
Việc tham gia Ban chỉ đạo cần tránh mang tính hình thức, phân công công việc chung chung rồi thực hiện không nghiêm túc, dẫn đến hổng dù chỉ một khâu cũng có thể gây rủi ro lớn.
Phải tập huấn kỹ lưỡng cho nhân sự tham gia để từng thành viên đều nắm chắc nghiệp vụ chuyên môn; chú ý chọn người tham gia kỳ thi có phẩm chất, đạo đức tốt.
Việc chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi, cũng đặc biệt quan trọng, Bộ trưởng đề nghị các địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện sát sao. Trong đó, cần lưu ý việc chuẩn bị và lắp đặt camera bảo đảm chất lượng theo quy định; tránh hiện tượng có camera nhưng không hoạt động hoặc hoạt động trục trặc.
Thứ ba, về tổ chức kỳ thi, Bộ trưởng đặc biệt lưu ý một số khâu như: in sao, vận chuyển đề thi; bảo quản đề thi, bài thi, tránh vì không hiểu quy chế thi hoặc có lý do cá nhân dẫn đến việc thực hiện không nghiêm túc.
Thứ tư là công tác chấm thi, công bố kết quả thi và phân tích phổ điểm trong năm nay cần bảo đảm đúng quy trình quy định trong Quy chế thi.
Bộ trưởng chủ trì hội nghị sáng nay. ẢNH: MOET
Điểm mới trong công tác chấm thi được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh là năm nay sẽ thực hiện đối sánh, phân tích kết quả thi và kết quả học tập bậc THPT của thí sinh (học bạ), theo Bộ trưởng, việc này giúp phát hiện ra những bất thường và hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục.
Tại hội nghị, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, sau khi Bộ ban hành quy chế thi, các địa phương cần bắt tay nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo thi.
Các phần việc cần đúng quy chế, phân rõ chức năng, nhiệm vụ từng người, từng khâu đảm bảo vận hành không chồng chéo.
“Cần quan tâm khẩu in sao đề thi, bảo quản bài thi, chấm thi”, ông Trinh nói.
Trong quá trình chuẩn bị, Cục trưởng đề nghị các địa phương phải rà soát từng khâu. Trong đó, vai trò của Sở GD&ĐT thể hiện rõ trong việc đảm bảo đội ngũ coi thi, chấm thi, cơ sở vật chất; in sao đề thi.
Đồng thời, các địa phương lưu ý về địa điểm lưu trữ bài thi, triển khai chấm thi. Hai khâu này dự báo có nhiều rủi ro có thể xảy ra. Nếu thực hiện đúng quy trình, đúng quy chế đảm bảo sẽ không có gian lận xảy ra nhưng nếu có ai đó ý định từ đầu không lường hết được.
Các địa phương cần chuẩn bị kỹ phương án đảm bảo an ninh, an toàn. Rà soát lại toàn bộ thiết bị camera nếu có hỏng hóc phải được sửa chữa sớm.
Trong kỳ thi năm nay, Bộ sẽ tập huấn thi cho cán bộ các sở. Sau đó, sẽ thực có bài kiểm tra các cán bộ này tránh việc cán bộ đi tập huấn nhưng không nắm thông tin dẫn đến làm sai.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ diễn ra vào ngày 9-10/8. Thời gian chuẩn bị cho kỳ thi chỉ còn 2 tháng, nên phải rất gấp rút thực hiện nghiêm ngặt các công việc được giao theo phân công. |