Điểm tin ngày 17-4: Nga tuyên bố kiểm soát Mariupol, Ukraine nói ‘tin giả’

(PLO)- Nga tuyên bố đã kiểm soát được Mariupol, chỉ còn một lực lượng nhỏ quân Ukraine cố thủ trong thành phố, Ukraine nói rằng đây là “tin giả” và nhấn mạnh quân đội Kiev vẫn đang tự vệ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tình hình chiến sự

Theo hãng tin Reuters, Nga đã thực hiện các cuộc pháo kích vào thủ đô Kiev của Ukraine và các thành phố khác vào ngày 16-4. Moscow cũng nói rằng quân đội của họ đã kiểm soát được Mariupol, chỉ còn một lực lượng nhỏ quân Ukraine cố thủ trong nhà máy thép Azovstal phía đông TP.

Phía Reuters cho hay họ chưa thể xác minh tính xác thực của sự việc. Nếu đúng như vậy thì đây sẽ là thành phố lớn đầu tiên rơi vào tay Nga kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine ngày 24-2. Tuy nhiên, Trung tâm Chống thông tin sai lệch tại Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraine cho biết tuyên bố kiểm soát Mariupol của Moscow là “giả mạo”, theo hãng thông tấn Ukrinform.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết tình hình ở Mariupol hiện đang rất khó khăn, quân lính đang bị bao vây và khủng hoảng nhân đạo đang xảy ra, song lực lượng này vẫn đang tự vệ.

Khói đen bao trùm TP Kiev, Ukraine ngày 16-4. Ảnh: GETTY IMAGES

Khói đen bao trùm TP Kiev, Ukraine ngày 16-4. Ảnh: GETTY IMAGES

Quân đội Ukraine cho biết các máy bay chiến đấu của Nga cất cánh từ Belarus đã pháo kích vào vùng Lviv của đất nước, gần biên giới Ba Lan, nhưng 4 tên lửa hành trình đã bị phòng không Ukraine bắn hạ.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết Nga đã triển khai các cuộc tấn công chính xác cao để phá hủy một nhà máy sản xuất xe bọc thép ở Kiev. Ở miền Đông Ukraine, Tỉnh trưởng tỉnh Kharkiv cho biết, ít nhất một người đã thiệt mạng và 18 người bị thương trong một vụ tấn công bằng tên lửa. Tại Nikolaev, một thành phố sát mặt trận phía Nam, Nga cho biết họ đã tấn công một nhà máy sửa chữa xe quân sự.

Ngày 16-4, ông Zelensky cảnh báo thế giới nên có sự chuẩn bị cho khả năng Nga có thể triển khai vũ khí hạt nhân, song không đưa ra bằng chứng. “Chúng ta không nên chờ đợi thời điểm Nga quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng ta phải chuẩn bị cho điều đó" - ông nói.

Tháng trước, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Nga sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xảy "mối đe dọa đối với sự tồn tại" của đất nước, chứ không phải do xung đột Ukraine.

Đề cập đàm phán hòa bình Moscow-Kiev, ông Zelensky cho biết văn kiện cuối cùng về việc chấm dứt cuộc chiến có thể bao gồm hai phần, gồm một hiệp ước về đảm bảo an ninh cho Ukraine và một hiệp ước song phương riêng biệt giữa Ukraine và Nga.

Những con số “chết chóc”

Trên trang Facebook cá nhân, bà Liudmyla Denisova - Ủy viên Nhân quyền Quốc hội Ukraine - đã thông báo rằng có tổng cộng 200 trẻ em đã thiệt mạng và 360 trẻ em bị thương ở Ukraine kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga được phát động.

Ngày 15-4, Tổng thống Zelensky đã nói với đài CNN rằng Ukraine đã mất khoảng ​​2.500-3.000 binh sĩ trên toàn bộ lãnh thổ của mình trong suốt cuộc chiến với Moscow, đồng thời tuyên bố rằng quân đội Nga đã phải chịu tới 20.000 thương vong.

Tuy nhiên, theo đài RT, phía Nga đã phủ nhận thông tin trên. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết Ukraine đã phải hứng chịu “thiệt hại không thể cứu vãn được” khi tổn thất 23.367 người, gồm quân Ukraine và lực lượng lính đánh thuê nước ngoài. Ngoài ra, chỉ riêng ở Mariupol, Ukraine đã mất hơn 4.000 máy bay chiến đấu.

Moscow cảnh báo “những hậu quả khó lường”

Trong công hàm tuần này, Moscow cảnh báo Washington và NATO không nên gửi vũ khí để KIev sử dụng trong cuộc xung đột với Nga, đồng thời cho rằng những động thái như vậy đang "đổ thêm dầu" vào tình hình và có thể đi kèm với "những hậu quả khó lường”, tờ The Washington Post đưa tin.

Cảnh báo được đưa ra cùng tuần khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết gói viện trợ quân sự mới trị giá 800 triệu USD cho Ukraine, bao gồm máy bay trực thăng, pháo và xe bọc thép chở quân.

Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối xác nhận các báo cáo về công hàm. Tờ The New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ rằng bức thư được gửi qua các kênh thông thường và không có chữ ký của bất kỳ quan chức cấp cao nào của Nga.

Cũng trong ngày 16-4, Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ đã cấm Thủ tướng Anh Boris Johnson, Ngoại trưởng Liz Truss, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace, 10 thành viên chính phủ và chính trị gia khác của Anh nhập cảnh vào nước này.

Bộ Ngoại giao Nga nói rằng động thái trên được thực hiện "trước hành động thù địch chưa từng có của chính phủ Anh, đặc biệt là việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức cấp cao của Nga", đồng thời cho biết thêm có thể sẽ sớm mở rộng danh sách.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann nói với tờ Die Welt hôm 16-4 rằng Đức không phải đối mặt bất kỳ rủi ro nào theo luật pháp quốc tế khi cung cấp vũ khí cho Ukraine trong bối cảnh hiện tại, RT đưa tin.

Bộ trưởng tuyên bố Ukraine đang tự vệ và họ có làm như vậy theo Hiến chương Liên Hợp Quốc. Thực tế này, theo ông Buschmann, cho phép các quốc gia khác gửi vũ khí cho họ mà không sợ bị coi là một bên liên quan trong cuộc xung đột.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm