Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ họp và đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Theo ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam thì với phổ điểm cao hơn mọi năm, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ cao hơn mọi năm từ 1-2 điểm.
“Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào phụ thuộc vào mức độ khó dễ của đề thi. Khi độ khó của đề thi giảm, kết quả thi của thí sinh cao hơn thì dĩ nhiên ngưỡng này cũng nhích về phía điểm cao” – ông Nhĩ nói.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, dự kiến trước ngày 31-7, Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ họp thảo luận đưa ra nguyên tắc xác định ngưỡng điểm xét tuyển. Đây là ngưỡng tương đối, phụ thuộc vào mức độ khó dễ của đề thi từng năm.
Nhiều năm thi "3 chung" điểm sàn ít thay đổi do cấu trúc đề thi chỉ nhằm mục đích phân loại, có độ khó tương đương như nhau. Năm nay đề thi được thiết kế với hai mục đích, số câu hỏi cơ bản nhiều hơn nên rõ ràng thí sinh thi đại học dễ đạt được điểm cao hơn những năm trước.
Mặt khác trước đây khi tổ chức thi "3 chung" thì điểm sàn được cân nhắc để vừa đảm bảo chất lượng lại vừa đảm bảo nguồn tuyển cho tất cả các trường trong cả nước.
Năm nay ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào liên quan chủ yếu đến việc xét tuyển và chỉ tiêu của những trường tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Đối với khoảng 200 trường ĐH, CĐ có đề án tự chủ tuyển sinh thì một phần chỉ tiêu dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, một phần dựa vào kết quả học tập của thí sinh ở bậc phổ thông với ngưỡng đảm bảo chất lượng được xác định trong đề án đã công bố.
Trên cơ sở cân nhắc những yếu tố đó, Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ họp thảo luận đưa ra nguyên tắc xác định ngưỡng điểm xét tuyển đơn giản nhất, phù hợp nhất để các trường dễ áp dụng chung cho tất cả các tổ hợp xét tuyển của trường mình.