Video: Diễn tiến mới vụ người lao động kiện ngân hàng đòi hơn 1,9 tỷ tiền lương |
Sáng 26-5, TAND quận 3, TP.HCM xử sơ thẩm lần hai vụ án dân sự về tranh chấp quan hệ lao động giữa nguyên đơn là ông Diệp Bảo Nghĩa và bị đơn là một ngân hàng thương mại cổ phần.
Trước đó, vụ án nhiều lần phải hoãn do bị đơn có đơn xin hoãn, hội thẩm nhân dân bị bệnh hoặc phía nguyên đơn xin hoãn.
Trước đó, TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm đã tuyên hủy án sơ và phúc thẩm, giao cho TAND quận 3 xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.
Nguyên đơn khởi kiện cho rằng phía ngân hàng đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái pháp luật.
Sau đó, vì lý do cá nhân, ông Nghĩa xin nghỉ việc. Ngày 9-8-2016, ngân hàng ra quyết định thôi nhiệm chức danh giám đốc của ông Nghĩa, yêu cầu ông bàn giao công việc và giải quyết các vấn đề tồn đọng trước khi chấm dứt hợp đồng.
Đến ngày 10-8-2016, ông Nghĩa bàn giao công việc và có đăng ký nghỉ không lương 30 ngày.
Theo ông, sau thời gian nghỉ phép, ông Nghĩa vẫn phối hợp cùng phía ngân hàng để giải quyết công việc còn lại. Tuy nhiên, phía bị đơn đã không bố trí công việc, địa điểm làm việc, ông Nghĩa phải làm việc tại nhà. Do đó, ông Nghĩa khởi kiện yêu cầu bị đơn giải quyết thôi việc, thanh toán tiền lương và BHXH.
Cụ thể, năm 2014, ông Nghĩa ký HĐLĐ có thời hạn một năm với ngân hàng với chức danh chuyên viên phòng tổng giám đốc. Đến tháng 5-2015, ông Nghĩa được điều chuyển làm giám đốc phòng giao dịch Cộng Hòa (TP.HCM). Đến tháng 12-2015, ông Nghĩa tái ký HĐLĐ thời hạn một năm.
Tại phiên tòa sáng 26-5, nguyên đơn yêu cầu bị đơn giải quyết toàn bộ, đầy đủ các chế độ, chính sách về lương, BHXH tổng cộng hơn 1,9 tỷ đồng. Đồng thời, bị đơn phải ra quyết định chấm dứt HĐLĐ và trả sổ bảo hiểm cho ông Nghĩa.
Với yêu cầu này, đại diện bị đơn cho rằng từ thời điểm ông Nghĩa có đơn xin nghỉ việc đến nay, ông Nghĩa không đến cơ quan làm việc để giải quyết các vấn đề tồn đọng. Nguyên đơn tự ý nghỉ việc, không thông báo cho cơ quan về vấn đề làm việc tại nhà.
Do đó, phía ngân hàng nhận định các yêu cầu nguyên đơn không có căn cứ, không phù hợp với nội quy lao động, HĐLĐ đã ký kết nên không đồng ý toàn bộ những yêu cầu của nguyên đơn.
Đối đáp quan điểm của bị đơn, luật sư phía nguyên đơn dẫn chứng việc bị đơn không sắp xếp vị trí, nơi làm việc cho ông Nghĩa khi ông trở lại làm việc sau thời gian nghỉ không lương.
Phía nguyên đơn cũng cho rằng nếu nguyên đơn có việc vi phạm kỷ luật lao động khi nghỉ việc thì bị đơn có quyền xử lý vi phạm. Tuy nhiên, bị đơn kéo dài thời gian giải quyết nghỉ việc gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của nguyên đơn.
Ông Nghĩa cũng đưa ra nhiều ảnh chụp email cho thấy ông thường xuyên trao đổi, giải quyết công việc với lãnh đạo của ngân hàng từ tháng 9- 2016 đến tháng 10-2017.
Kết thúc phần tranh luận, đại diện VKS đề nghị HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn về vấn đề xác định tiền lương, thưởng, BHXH, buộc bị đơn ra quyết định chấm dứt HĐLĐ với nguyên đơn và trao trả sổ bảo hiểm cho nguyên đơn.
Nhận thấy vụ án có tình tiết phức tạp, HĐXX quyết định kéo dài thời gia nghị án và ấn định thời gian tuyên án vào chiều 1-6.
Xử sơ thẩm hồi tháng 1-2019, TAND quận 3 nhận định vụ án thuộc tranh chấp về đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.
HĐXX cho rằng không có căn cứ để xác định ngân hàng đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ với ông nghĩa. Ông Nghĩa không có các tài liệu chứng minh việc bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ cũng như bị cản trở đến trụ sở ngân hàng để làm việc. Do đó, HĐXX đã tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện. Ông Nghĩa kháng cáo.
Tháng 6-2019, TAND TP.HCM xử phúc thẩm cho rằng cấp sơ thẩm xác định quan hệ lao động tranh chấp là không chính xác. Kể từ ngày 12-12-2016 (ngày hợp đồng hết hạn), ngân hàng vẫn giữ cho ông Nghĩa làm việc nên HĐLĐ có thời hạn chuyển thành HĐLĐ không thời hạn.
Do đó, vụ án thuộc tranh chấp HĐLĐ không xác định thời hạn và chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của ông Nghĩa. HĐXX tuyên buộc bị đơn ra quyết định chấm dứt HĐLĐ cho ông Nghĩa và trả tiền lương, thưởng tháng 13 với số tiền gần 900 triệu đồng.