Tàu chiến và máy bay chiến đấu Mỹ hoạt động ở biển Đông và biển Hoa Đông đã trở thành “điều bình thường mới”. Hãng tin AP ghi nhận như trên trong bài viết hôm 28-5 với tựa đề “Hoạt động của không quân, hải quân Mỹ trở thành điều bình thường mới ở châu Á-Thái Bình Dương”.
AP nhận định Trung Quốc và Nga đang gia tăng chỉ trích Mỹ gây bất ổn ở châu Á-Thái Bình Dương và tiến hành hoạt động đi lại không an toàn để nhằm phô trương ưu thế quân sự trong khu vực. Dù vậy, Mỹ thông báo vẫn tiếp tục thực hiện quyền tự do hàng hải thường xuyên hơn.
Trả lời AP, Đô đốc John Richardson, tư lệnh hải quân Mỹ, ghi nhận lần đầu tiên trong 25 năm qua, Mỹ phải đối phó với thái độ cạnh tranh ưu thế hàng hải của Trung Quốc và Nga. Do Nga và Trung Quốc quay trở lại hành động cạnh tranh vị thế siêu cường, Mỹ đã thiết lập “một cấp độ bình thường mới” trong hoạt động.
Ông lưu ý hoạt động tự do hàng hải diễn ra hàng trăm lần trong năm trên toàn thế giới nhằm phản đối các tuyên bố chủ quyền quá đáng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter chúc mừng các học viên tốt nghiệp Học viện Hải quân ngày 27-5. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ
Nhiều nước đang lo ngại Bắc Kinh quân sự hóa các đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông và âm mưu hạn chế hoạt động hàng hải.
Trong bảy tháng qua tàu chiến Mỹ đã ba lần áp sát các đảo nhân tạo nhằm thể hiện quyền tự do hàng hải và thách thức Trung Quốc. Phản ứng lại, Trung Quốc đã triển khai máy bay và tàu chiến để cảnh cáo.
Trong năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã hai lần bay đến các tàu sân bay Mỹ đang di chuyển trên biển Đông cùng các nhà báo nhằm phát đi thông điệp rằng Mỹ sẽ không từ bỏ quyền tự do hàng hải.
Cùng lúc đó, máy bay Nga bay sát tàu chiến Mỹ ở hải phận quốc tế trên biển Baltic hồi tháng trước. Tuần trước, Moscow cũng đã phản đối máy bay do thám Mỹ bay ngang biển Nhật Bản.
Thật ra hằng năm Lầu Năm Góc đều công bố danh sách các nước mà Mỹ tiến hành hoạt động tự do hàng hải. Ví dụ theo báo cáo năm 2015, Mỹ tiến hành hoạt động tự do hàng hải đối với 12 quốc gia.
80% các hoạt động được thực hiện bằng tàu chiến. Gần đây nhất là hoạt động của Mỹ ở eo biển Hormuz. Iran và Oman cấm hoạt động ngang eo biển này trong khi luật pháp quốc tế cho phép quyền đi qua vô hại. Quân đội Iran vẫn thường ngăn chặn và đuổi tàu Mỹ nhưng tàu Mỹ vẫn tiếp tục hành trình.
Ở nhiều nơi khác trên thế giới như Ấn Độ hoặc ven bờ biển Nam Mỹ, tàu chiến Mỹ thường đi vào lãnh hải có tuyên bố chủ quyền và từ chối thông báo trước.
Thông thường hoạt động này không gây chú ý hoặc không tạo ra phản đối như ở biển Đông. Trong vài trường hợp, một số nước chỉ biết đến hoạt động tự do hàng hải của tàu chiến Mỹ sau khi Lầu Năm Góc công bố báo cáo hằng năm.
Ngày 27-5 (giờ địa phương), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu với các học viên tốt nghiệp Học viện Hải quân: “Trung Quốc đã có những hành động bành trướng chưa từng có trên biển Đông với các yêu sách chủ quyền hàng hải thái quá đi ngược với luật pháp quốc tế”. Ông giải thích hậu quả là các hành động của Trung Quốc có thể dựng lên “một vạn lý trường thành tự cô lập” bởi các nước trong khu vực, từ các đồng minh, đối tác và các nước không liên kết đều công khai hoặc riêng tư bày tỏ lo ngại ở cấp cao nhất. ______________________________ Chúng ta đang trong giai đoạn mà Trung Quốc, Nga và Iran đều thử thách, có thái độ ứng xử vô trách nhiệm và bắt buộc các nhà hoạch định chính sách đặt câu hỏi có thể gây sức ép tới đâu và khi nào… Chúng tôi ủng hộ tự do hàng hải tuân thủ các nguyên tắc và ở một chừng mực nào đó chúng tôi phản đối thay đổi các nguyên tắc này. Cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ DEREK CHOLLET |