Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) dẫn lời các chuyên gia nhận định như trên. Seoul không liên quan tranh chấp biển Đông nhưng Mỹ là đồng minh an ninh của Hàn Quốc, còn Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất. Seoul luôn cố duy trì quan hệ chặt chẽ với cả hai cường quốc này.
GS Hwang Jae Ho ở khoa Nghiên cứu quốc tế thuộc ĐH Hankuk (Hàn Quốc) nhận định: “Tranh chấp ở biển Đông đặt ra tình thế lưỡng nan. Hàn Quốc cần có các bước đi cẩn trọng và khôn ngoan để bảo đảm lợi ích đối ngoại”.
Các nhà phân tích dự đoán nếu phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực có lợi cho Philippines, Hàn Quốc sẽ gặp áp lực nặng nề khi phải lên tiếng phản đối Bắc Kinh bởi ngoài đối tác thương mại và du lịch, Trung Quốc còn cùng Hàn Quốc tham gia ngăn chặn chính sách hạt nhân hóa của CHDCND Triều Tiên.
Chuyên gia Lee Ki-beom tại Viện Nghiên cứu chính sách Asan (Seoul) nhận định: “Nếu phán quyết khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý về đường chín đoạn, phần lớn biển Đông sẽ trở thành vùng biển cả nơi các tàu chiến của Mỹ, Nhật hay Philippines đều có thể đi lại tự do”.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel đã từng phát biểu: “Sự thật là tương tự Mỹ, Hàn Quốc không phải đang đưa ra yêu sách. Theo tôi, toàn bộ lý do để Hàn Quốc lên tiếng là vì ủng hộ các nguyên tắc toàn cầu và ủng hộ phán quyết từ luật pháp chứ không phải vì lợi ích của riêng cá nhân”.
Dưới áp lực phải thể hiện rõ quan điểm, tại một hội nghị với ASEAN, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye phát biểu tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông phải được bảo đảm. Bà cũng phản đối quân sự hóa tại vùng biển này.
Các nhà phân tích nhấn mạnh, không nằm trong quan hệ địa-chính trị của khu vực nên Hàn Quốc nhìn biển Đông với khía cạnh an ninh năng lượng và lợi ích kinh tế. Vì vậy, các lời kêu gọi của Hàn Quốc có thể hướng đến duy trì mở rộng hàng hải.
Chuyên gia địa-chính trị nổi tiếng Robert D. Kaplan nhận định: “Chính sách cân bằng giữa hai cường quốc gần như là đúng. Nhưng sẽ đến lúc Hàn Quốc phải gây áp lực lên Trung Quốc rằng thống trị biển Đông không tạo ra lợi ích cho Seoul”.
Trong khi đó, chuyên gia Micheal Raska ở Trường S. Rajaratnam về nghiên cứu quốc tế thuộc ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) dự đoán Hàn Quốc có thể bỏ qua các tuyên bố ngoại giao kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng giải pháp hòa bình.
Ông nhận định: “Hàn Quốc có thể triển khai hoạt động trên biển lâu dài, không chỉ để ủng hộ tự do hàng hải và quyền qua lại trên biển và trên không tại biển Đông mà còn để phát triển các quan hệ quan trọng, ngăn chặn căng thẳng leo thang và lo lắng về thái độ của Trung Quốc”.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cho rằng Seoul nên có bước đi cẩn trọng để tránh rơi vào cuộc ganh đua địa-chính trị đang trở nên gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc.
GS khoa học chính trị Lee Dong-ryul nhận xét: “Nhìn bên ngoài, tranh chấp biển Đông là một phần của cuộc chạy đua địa-chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy Hàn Quốc cần tránh bị lôi kéo”. Ông cũng chỉ ra rằng hai cường quốc này có thể muốn tiết giảm căng thẳng địa-chính trị để tránh làm hỏng quan hệ hợp tác giữa hai bên về giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực, trong đó có biến đổi khí hậu và chủ nghĩa khủng bố.