Theo lương y Nguyễn Công Đức, nguyên giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM, nước mát được nấu từ những dược liệu mang tính mát, lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc như râu ngô, bông mã đề, cúc hoa, rễ tranh, mía lau…
Thời gian uống nước mát tốt nhất là ở giữa khoảng cách hai bữa ăn, chừng 10 giờ sáng và 15 giờ chiều (sau khi thức ăn đã được tiêu hóa, hấp thu). Nếu uống trước bữa ăn, bụng còn đói, nước mát mang tính hàn sẽ kích thích niêm mạc dạ dày, có thể gây đầy bụng, không muốn ăn. Còn uống nước mát ngay sau bữa ăn cũng làm giảm kích thích đối với đường ruột.
Khi tự nấu nước mát để dùng, nên chọn đồ nấu là đồ gốm hay sành sứ. Nguyên nhân: Đồ sành sứ tính chất ổn định, phản ứng hóa học trong quá trình nấu thuốc sẽ không ảnh hưởng tới sự phân giải của thuốc. Ngoài ra, đồ sành sứ truyền nhiệt đều, giữ ấm tốt. Nấu nước mát kỵ dùng đồ kim loại như sắt hay đồng, nhôm vì trong khi nấu, các nguyên tố kim loại xảy ra phản ứng hóa học với các thành phần của thuốc, có thể làm giảm hiệu quả của thuốc.
Khi nấu nước mát, nên canh lửa ban đầu để lửa to. Khi thuốc đã sôi thì rút lửa nhỏ nấu thêm khoảng 30 phút là được.