Trong nhiều ngày đi theo các cò môi giới đất đai tại khu vực Nam Sài Gòn, chúng tôi đã lý giải được vì sao những căn nhà trái phép cứ liên tục mọc lên mà không bị cơ quan chức năng xử lý.
Bởi tham gia vào “thị trường” này có bóng dáng của cán bộ, nguyên cán bộ. Họ chỉ cách làm sao để xây được nhà trái phép đến công đoạn sửa nhà, mua bán.
Cán bộ mặc áo đô thị tên T. và cò N. thường xuyên khoác vai nhau trao đổi về việc sửa nhà trái phép ở huyện Nhà Bè. Ảnh: TỰ SANG
Nguyên cán bộ huyện nhận xây nhà trái phép
Đầu tháng 10, chúng tôi được cò đất tên A. đưa đến gặp ông V. (được giới thiệu là nguyên cán bộ UBND huyện Nhà Bè) tại một quán cà phê đối diện UBND xã Long Thới để bàn việc xây nhà trái phép trong một con hẻm tại xã Phú Xuân.
Ông V. khá am hiểu các quy định về đất đai và được nhiều cò đất khác ở khu vực Nam Sài Gòn biết đến vì từng là cán bộ UBND huyện, có mối quan hệ rộng với chính quyền địa phương.
Ông V. còn được các cò đất khác nể mặt vì chuyên giải quyết những “ca khó” trong xây dựng nhà cửa, giấy tờ đất đai.
Tại buổi gặp, ông V. cho cò A. biết đã nghỉ làm việc tại ủy ban (UBND huyện Nhà Bè - PV) và đang làm ngoài (thầu xây dựng - PV). Tại một quán nước, cò A. trình bày có khách muốn xây nhà trên đất nông nghiệp, diện tích 21 m2 ở hẻm 2056/… và chỉ có giấy tờ tay.
Ông A. đưa bản vẽ tay và cho biết người khách muốn xây một trệt một gác. “Toàn bộ khu này đã được xây nhà kiên cố hết rồi, xây luôn một trệt một lầu được không?” - cò A. trình bày.
Sau khi xem giấy tờ toàn bộ lô đất, ông V. nói: Người ta xây nhà lầu hết, mình xây nhà cấp bốn cũng kỳ. “Bây giờ làm khó lắm, làm một cái nhà lời có trăm triệu mà nó ăn hết trăm rưỡi. Bữa làm cái công trình trên Phú Xuân lời được có 80 triệu mà bỏ công sức ba tháng trời ra làm, phải chung chi 185 triệu, lỗ quá cha luôn, chưa kể chầu nhậu” - ông V. than.
Về căn nhà mà A. dự định xây, ông V. nói: “Lô đất trên không đủ điều kiện xây nhà, phải xài chiêu thôi, cái này xin huyện không nổi đâu, phải xin xã”.
Ông V. giải thích thêm: “Tôi sẽ hẹn anh em cà phê, đưa cho anh em xem thì mới báo được... phải đi lòn cửa. Anh em nó coi, xem làm thế nào xong mới báo chứ không nói ngang được. Chiều nay hẹn tụi nó cà phê, mai tụi nó coi xong, chiều tối gọi điện mới báo giá được”.
Ông Q. mặc áo công an xã và ông B., trưởng ấp, tư vấn bán nhà xây trái phép cho người dân. Ảnh: TỰ SANG
Phạt tù cán bộ “bảo kê” xây trái phép • Tháng 1-2014, TAND TP.HCM phạt Nguyễn Ngọc Nam (nguyên cán bộ xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn) hai năm tù về tội môi giới, hối lộ trong việc xây nhà trái phép. • Tháng 6-2012, TAND TP.HCM phạt Nguyễn Văn Quân ba năm tù về tội đưa hối lộ, Nguyễn Đức Thắng (nguyên thanh tra xây dựng huyện Hóc Môn) sáu năm tù về tội nhận hối lộ; Phạm Thái Quảng (tổ trưởng số 23, ấp 6, xã Đông Thạnh) và một người khác mỗi người hai năm tù về tội môi giới hối lộ... Đây là đường dây ngó lơ việc xây nhà trái phép với giá 100 triệu đồng/căn. |
Cán bộ đô thị “vẽ đường”
Tối cuối tháng 11, chúng tôi được cò N. đưa tới hẻm 58, đường Nguyễn Văn Tạo gần KCN Hiệp Phước, xã Long Thới. N. lái xe đến cuối con hẻm, dừng lại trước một căn nhà cấp bốn và cho biết nhà này chủ đang cần bán.
N. bước xuống xe, thông báo với người thuê trọ là đến kiểm tra nhà và đưa chúng tôi vào xem nhà. N. cho hay căn nhà hơn 50 m2, đất nông nghiệp và có một phần là đất ở, giấy tờ chung cho ba căn và báo giá là 1,7 tỉ đồng. N. còn cho biết sẽ tìm đường “binh” cho nâng lên một lầu.
Hôm sau, N. liên tục gọi điện thoại hối chúng tôi đến gặp cán bộ trật tự đô thị để nghe hướng dẫn nâng cấp nhà.
Khi chúng tôi đến nơi thì N. và một cô gái đứng đợi sẵn. Chờ chừng 10 phút, chúng tôi thấy một người đàn ông mặc đồ cán bộ trật tự đô thị đi xe máy tới.
Sau đó chúng tôi vào trong, người mặc áo cán bộ trật tự đô thị hướng dẫn N. chụp ảnh căn nhà. Người này lại gần chỗ chúng tôi, nói lớn: “Không cho nâng cái gác nha, chỉ nâng cái mái thôi”.
Cò N. liền hỏi: “Giá cà phê bao nhiêu nói để ông này biết luôn”. Cán bộ nói: “Tôi cũng chưa biết nữa, cứ rửa hình ra đi rồi tôi nộp vô cho…”. Sau đó, cán bộ tiếp tục nói: “Anh chạy xuống dưới lấy đơn xin sửa chữa đi, anh muốn ghi gì đó thì ghi, không ghi cũng được, không ghi thì để tôi ghi. Ký tên thôi, để tôi ghi”.
Khi chúng tôi hỏi “chi phí” cho việc nâng mái, người mặc áo cán bộ trật tự đô thị nói: “Để hỏi đã, cái này không bao nhiêu đâu, yên tâm đi. Riêng đơn thì không tốn tiền mua đâu”... Khi chuẩn bị chạy xe đi, vị này nói tiếp: “Tầm 10 đổ lại thôi”.
Cò N. cho hay vị cán bộ tên T., là cán bộ trật tự đô thị UBND xã Long Thới. N. cũng cho biết là ông T. thông báo 13 triệu đồng tiền bồi dưỡng để được nâng mái nhà cao lên thành lầu một.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, lô đất trên có diện tích 141,6 m2, hình thức sử dụng chung. Trong đó, đất ở 87,3 m2, đất trồng cây lâu năm diện tích 54,3 m2 và được phép xây dựng nhà ở riêng lẻ có diện tích xây dựng 52,8 m2 với nhà cấp ba, hình thức sở hữu chung.
Tuy nhiên, thực tế lô đất trên đang có ba căn nhà.
Ông V. - người được giới thiệu là nguyên cán bộ UBND huyện Nhà Bè cho biết sẽ nhờ cán bộ đi lòn cửa để xây nhà trái phép. Ảnh: TỰ SANG
Công an xã cũng làm cò nhà không phép
Đầu tháng 11, chúng tôi muốn làm rõ vì sao nhà trái phép ở xã Phước Kiển không bị xử lý thì các cò rỉ tai: Ông Q. công an xã Phước Kiển rất “quyền lực” trong việc môi giới nhà giá rẻ, nhà trái phép.
Chiều một ngày đầu tháng 11, ông Q. trong trang phục công an xã chạy xe máy đón một người khách tại một con hẻm trên đường Lê Văn Lương, xã Phước Kiển để đi xem nhà giá rẻ. Ông Q. giới thiệu ông B. là trưởng ấp. Sau đó, cả hai dẫn khách vô hẻm 1224 Lê Văn Lương, đến một căn nhà mới xây, chưa có người ở.
Ông B. và ông Q. kêu giá 1,15 tỉ đồng cho căn nhà một trệt một lầu, diện tích 32 m2. Theo ông B., ngôi nhà là của người anh nhờ bán giúp và nhà đã chung chi hơn trăm triệu khi xây nên yên tâm.
Sau đó ông Q. thông báo qua điện thoại cho chúng tôi: “Giấy tờ tay, mua bán vi bằng, làm gì có giấy phép xây dựng”. Ông cũng lý giải là chủ nhà có mối quan hệ nên làm đơn xin phép sửa chữa nhưng thực chất là đập bỏ, xây mới và được địa phương du di cho xây.
Ông Q. và ông B. còn dẫn chúng tôi đến xem một căn nhà cấp bốn tại hẻm 1285 đường Lê Văn Lương đang có người ở. “Nhà 35 m2, cũng giấy tay, giá 1,15 tỉ đồng” - ông B. thông báo.
Theo ông Q., nhà này nếu muốn sửa chữa, nới rộng phòng, làm sân thượng đúc giả thì ông sẽ giúp bên địa chính xã. “Mà nói trước nha, nếu xây thêm thì phải có bồi dưỡng cho anh em, anh em báo sao tôi báo lại đó nha” - Q. nói.
Những điều nghe từ cò đất Trong thời gian tiếp cận cò và cán bộ, chúng tôi đã được nghe lý giải vì sao những căn nhà trái phép không bị xử lý cùng những hứa hẹn “bảo kê” xây trái phép. Cò A. khẳng định: Những căn nhà trái phép đua nhau mọc vì có sự móc nối giữa cò với cán bộ. Để minh chứng cho điều này, cò A. dẫn chúng tôi đi thực tế tại xã Phú Xuân, xã Phước Kiển, xã Nhơn Đức và xã Long Thới. Tại xã Nhơn Đức, ông N. (người xây nhà trái phép rồi rao bán) cho biết: Tại địa phương, xây có phép hay không phép đều phải tốn tiền. Giá xây trái phép trên đất nông nghiệp là từ 50 đến 70 triệu đồng/căn. Còn tại xã Long Thới, cò N. và một cô gái dẫn chúng tôi đến gặp một người đàn ông, được giới thiệu làm bên đo vẽ nhà đất và cho hay là người này sẽ giúp làm cầu nối chứ: “Vô xã nó không dám trả lời đâu, người ta sợ mất ghế, đời nào người ta dám nhận với anh”. |