Lần này, vị trí được bổ nhiệm là trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Bình, Bạc Liêu.
Cụ thể, ông Long Quang Dũng, Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, nguyên Chủ tịch HĐND huyện trên, vừa được bổ nhiệm làm trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện. Trước đó, tháng 3-2019, ông Dũng đã bị kỷ luật cảnh cáo đảng do có một số sai phạm trong việc quản lý tài chính của đơn vị HĐND huyện.
Tính ra, tuy thời gian thi hành quyết định kỷ luật của ông Dũng trước khi được giao chức mới dài hơn (ông Tám nhậm chức chỉ sau một tháng nhận án kỷ luật cảnh cáo của Đảng và chính quyền) nhưng hai ông đều có điểm chung là được bổ nhiệm vào lúc quyết định kỷ luật còn “nóng ấm”.
Vậy bổ nhiệm như thế đúng không mà sao dư luận hay phản ứng?
Theo giải thích của các trưởng ban tổ chức huyện ủy cũng như một lãnh đạo cấp ủy tỉnh này thì chức mới của hai ông là “ngang”, chứ không phải là “lên”. Chức cũ của ông Tám là trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh được xếp tương đương chức giám đốc Sở Công Thương. Chức trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện cũng được xác định không cao hơn chức ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy.
Căn cứ vào Quy định 105/2017-QĐ/TW của Ban chấp hành Trung ương là “cán bộ bị kỷ luật từ khiển trách trở lên không được bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn trong thời gian ít nhất một năm kể từ khi có quyết định kỷ luật”, hai trưởng ban tổ chức ấy đều cho rằng việc bổ nhiệm của địa phương mình không sai.
Điều đáng lưu ý là bên cạnh Quy định 105 trên thì còn có Luật Cán bộ, công chức (CBCC) 2008 mà đối tượng bị điều chỉnh cũng là những người được bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước ở cấp tỉnh, huyện. Theo khoản 2 Điều 82 luật này thì “CBCC bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức không thực hiện việc bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực”.
Chính từ điều khoản này của luật mà Quyết định 04/2008 của Bộ Công Thương đã đề ra yêu cầu: “Cán bộ bị kỷ luật từ khiển trách trở lên, trong thời gian ít nhất một năm kể từ khi có quyết định kỷ luật thì không được bổ nhiệm vào chức vụ giám đốc Sở Công Thương” (khoản 2 Điều 4).
Ấy thế, đối với cả hai trường hợp trên, những lãnh đạo tỉnh, Huyện ủy cũng bảo không làm sai luật nào cả. Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy Hòa Bình còn viện lẽ Luật CBCC không quy định rõ là không được bổ nhiệm như thế nào (cao hơn, thấp hơn hay ngang bằng). Thực ra bà này đã nhầm riêng ở chỗ này vì Luật CBCC đã quy định “bổ nhiệm là việc CBCC được quyết định giữ một chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc một ngạch theo quy định của pháp luật”. Tức có chức vụ là có việc bổ nhiệm, không phụ thuộc chức đó bằng, lớn...
Thành thử trong việc bổ nhiệm các chức vụ không cao hơn khi chưa hết một năm chịu án kỷ luật, nói không trái với Quy định 105 thì được. Song nếu khăng khăng không trái với Luật CBCC thì rất khó lọt tai.
Phải cùng thấy là Quy định 105 có nội dung không phù hợp với điều khoản đã nêu của Luật CBCC. Do quy định này không nằm trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nên không thể xem xét về “cao thấp” để cho là có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì phải áp dụng mỗi Quy định 105. Các khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan chức năng trong việc thực hiện bổ nhiệm cán bộ có thể phát sinh từ đây.
Cách khắc phục tốt nhất là hai văn bản phải có sự tương đồng để bảo đảm được sự nghiêm minh thống nhất đối với các nhân sự bị kỷ luật. Hiện tại, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CBCC… đang tính “không bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn…” tương tự như Quy định 105.
Cùng chờ thêm một thời gian nữa để những cấm cản trong việc bổ nhiệm cán bộ được đâu đó rõ ràng, chấm dứt những hoài nghi không đáng có vậy.