Sáng 24-1, tỉnh Quảng Ninh tổ chức công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) 2017.
DDCI Quảng Ninh được đánh giá là một trong những công cụ thúc đẩy cải cách tại tỉnh này. Ảnh: CHÂN LUẬN
Không phải showbiz nhưng vẫn thu hút
Điểm đặc biệt trong DDCI Quảng Ninh 2017 lần này là việc thành lập Fanpage DDCI Quảng Ninh trên Facebook.
Trình bày báo cáo, TS Nguyễn Đức Nhật, Trưởng nhóm Nghiên cứu DDCI Quảng Ninh cho biết, fanpage của DDCI Quảng Ninh mới được thành lập, nhưng đã có tới trên 12.000 tin tức được đăng tải. Sự đón nhận của người dân và doanh nghiệp đến nay đã rất cao. Tỉ lệ đánh giá của người dân và doanh nghiệp cho thấy có tới hơn 34% là tích cực và 16,8% là tiêu cực, còn lại là đánh giá trung tính.
“Mỗi bài viết được các sở, ban, ngành đăng lên thì lượng tương tác đều tăng. Trong đó có bài viết về Cẩm Phả đã có tới 2.216 lượng tương tác... là điều đáng mừng”, TS Nhật nói.
TS Nhật cũng cho hay, những tương tác của mạng xã hội đối với Quảng Ninh phản ánh được khoảng 70% nội dung về các chỉ số mà 35 đơn vị của Quảng Ninh tham gia đánh giá DDCI.
Ông Roy Tan, Giám đốc phụ trách thúc đẩy chính sách công của Facebook khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng lưu ý việc các cơ quan nhà nước dùng Facebook để tương tác với người dân, doanh nghiệp. Theo ông Roy Tan, Quảng Ninh xây dựng fanpage DDCI là một trong những điểm sáng trong tương tác với người dân.
Ông Roy Tan, người từng phụ trách Facebook của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đang trình bày về cách sử dụng Fanpage cho các cơ quan nhà nước. Ảnh: CHÂN LUẬN
Còn TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, gọi DDCI cũng như fanpage trên Facebook của tỉnh Quảng Ninh về lĩnh vực này là “sáng kiến táo bạo, tạo ra nhiều tác động”.
“Mở những trang fanpage như DDCI của Quảng Ninh thì không thể có tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, loại bỏ tình trạng vô cảm của chính quyền trước cuộc sống của doanh nghiệp và người dân”, TS Cung nhận định.
Nhà nước phải thay đổi
Theo TS Cung, những công cụ như DDCI của Quảng Ninh sẽ tạo một áp lực từ bên dưới, cùng với áp lực hành chính từ bên trên sẽ thúc ép, tạo áp lực cho công chức không còn vô cảm, phản ứng tốt hơn với người dân và doanh nghiệp.
“DDCI sẽ buộc cơ quan nhà nước phải thay đổi, mở ra một con đường để nhà nước làm việc nhiều hơn. DDCI nên được sử dụng như một công cụ đầu tiên để đánh giá cán bộ, lựa chọn cán bộ để họ có thể thăng quan tiến chức, thay vì phải dựa vào… chỗ khác”, TS Cung khuyến cáo.
Trưởng ban Pháp chế Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn đánh giá DDCI Quảng Ninh đã trao quyền cho người dân và doanh nghiệp, tạo động lực, thúc ép sở, ngành, địa phương thay đổi tư duy, cải thiện chất lượng hành chính và tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền.
“DDCI Quảng Ninh 2017 mang lại thông điệp về sự lắng nghe và sẵn sàng thay đổi của chính quyền. Đích đến của mọi hệ thống chính quyền là sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân. Thông điệp về sự trao quyền cho doanh nghiệp và người dân, chủ thể trong sự phát triển cũng được thể hiện rõ”, ông Tuấn nhận định.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng Quảng Ninh còn nhiều dư địa để cải cách, tiếp tục đứng đầu trong top các tỉnh cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.
Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Ninh, trong phát biểu của mình cũng bày tỏ sự thấu hiểu với những khó khăn khi Tổ công tác DDCI Quảng Ninh thực hiện công việc quan trọng này.
Theo ông Thể, khi tiến hành đánh giá DDCI, Tổ công tác đã nhận được cả những ánh mắt không thiện cảm, nghi ngờ và đôi khi bị doanh nghiệp từ chối. Tuy vậy, trải qua 4 năm, DDCI đã trở thành một công cụ hữu hiệu để đo lường chất lượng các cơ quan, sở, ban, ngành, địa phương của Quảng Ninh.
Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc thì nhận xét DDCI là một sáng tạo riêng của Quảng Ninh và đây là một trong những mô hình mà các địa phương khác có thể học tập, nhân rộng.
DDCI Quảng Ninh 2017 đánh giá 35 đơn vị trực thuộc tỉnh Quảng Ninh thông qua 8 chỉ số thành phần. DDCI (viết tắt Department and District Competitiveness Index) là Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp Sở, Ban, Ngành và Địa phương thuộc tỉnh. Khảo sát DDCI trên cơ sở thăm dò mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh để nghiên cứu giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hàng năm, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại của những lĩnh vực được khảo sát. Đó là các chỉ số: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Tính năng động của Sở, Ban, Ngành và chính quyền Địa phương; Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Thiết chế pháp lý và Vai trò của người đứng đầu. |