Kết thúc năm 2023, tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi nắm quyền sở hữu 53,59% Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã nhận được gần 9.300 tỉ đồng cổ tức. Năm qua, mặc dù kinh tế khó khăn, Sabeco vẫn kiếm lãi hàng ngàn tỉ đồng mỗi quý, giúp khối tài sản của tỉ phú Thái duy trì được dòng tiền mạnh mẽ.
Kiếm bộn tiền dù khó khăn
Thực tế trong nhiều lĩnh vực, người Thái đang khai thác tốt lợi thế thị trường ngách tại Việt Nam. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Siam Brothers Việt Nam chuyên bán lưới cá, dây thừng cho ngư dân Việt Nam kiếm hàng trăm tỉ đồng mỗi quý.
Hay Tập đoàn Xây dựng SCG của Thái Lan với quy mô kinh doanh từ xi măng cho đến ngành nhựa, bất chấp sự suy thoái diễn ra trong nhiều lĩnh vực nhưng nửa đầu năm 2023 đã thu về 14.700 tỉ đồng doanh thu.
Trong báo cáo lũy kế chín tháng năm 2023 công bố mới đây, Tập đoàn CP tại Thái Lan cho biết doanh số bán hàng tại Việt Nam đạt gần 62.000 tỉ đồng. Con số này lớn gấp ba lần so với doanh thu tại thị trường Trung Quốc.
Một ông lớn khác của Thái Lan là Tập đoàn Central Retail trong ba năm gần đây từ năm 2020-2022 có doanh thu khá tốt tại thị trường Việt Nam, với hơn 90.000 tỉ đồng. Hiện Central Retai đang có hàng trăm cửa hàng tại Việt Nam, dẫn đầu lĩnh vực đại siêu thị, đứng thứ hai về trung tâm thương mại đồng thời không giấu tham vọng trở thành nhà bán lẻ hàng đầu ở nhiều lĩnh vực.
Một đối thủ khác, người Nhật không hề kém cạnh người Thái trong cuộc đua khai thác thị trường Việt Nam. Tính đến cuối năm 2023, hãng thời trang Uniqlo đã mở 22 cửa hàng trên toàn quốc, khá nhanh so với thời điểm mở cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM vào năm 2019.
Ông Nishida Hideki, Tổng Giám đốc Uniqlo Việt Nam, đánh giá cao tầm quan trọng của thị trường Việt Nam, về hiệu quả kinh doanh cũng như vai trò trung tâm sản xuất lớn thứ hai của Uniqlo. Đáng chú ý tại các cửa hàng Việt Nam, hơn 50% sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam.
Khai thác tốt cơ hội
Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải nhận định với bề dày kinh doanh, các công ty Thái và Nhật đã chọn những lĩnh vực ngành nghề có lợi thế được khai thác thành công.
Mặt khác, thị trường Việt Nam đang trở nên hấp dẫn với giới đầu tư ngoại vì dân số trẻ, thu nhập ngày càng tăng. Đó là chưa kể vị trí địa lý gần với công xưởng quốc tế Trung Quốc giúp họ tối ưu chi phí logistics, cũng như tận dụng các hiệp định thương mại tự do để hỗ trợ xuất khẩu.
Đặc biệt, các công ty Thái Lan, Nhật Bản có truyền thống hỗ trợ và hợp tác trong kinh doanh giúp họ thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam và gia tăng biên lợi nhuận. Chẳng hạn, Tập đoàn ThaiBev và SCG của Thái Lan, vốn đang kinh doanh tại Việt Nam, hợp tác đầu tư trên nền tảng thương mại điện tử dành cho các sản phẩm, dịch vụ gia đình với tham vọng tăng trưởng doanh thu trăm tỉ và sẽ mở rộng ra khu vực Đông Nam Á trong thời gian tới.
Mới đây, SCG đã đầu tư 700 tỉ đồng để mua Starprint, một công ty bao bì Việt Nam, đơn vị chuyên sản xuất bao bì carton cao cấp. Tính riêng năm 2022, Starprint Việt Nam có doanh thu ngàn tỉ đồng với lợi nhuận sau thuế 100 tỉ đồng.
Không chỉ vậy, trong nhiều năm qua, SCG liên tục thực hiện mua bán và sáp nhập nhiều công ty hàng đầu của Việt Nam. Điển hình như Nhựa Duy Tân, Bao bì Biên Hòa và các công ty Việt Nam này đều đóng góp rất lớn vào doanh thu của đại gia Thái Lan này.
Cũng vào những ngày cuối năm 2023, hãng dược Nhật ASKA Pharmaceutical với lịch sử hình thành một thế kỷ đã đầu tư cả trăm tỉ đồng mua cổ phần Dược Hà Tây để nâng tỉ lệ sở hữu với vai trò cổ đông lớn tại đây. Sức hấp dẫn của Dược Hà Tây là rất lớn vì công ty có độ phủ lớn với doanh thu hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm.
Công ty Việt buộc phải đổi mới để tồn tại
Ông Yol Phokasub, Giám đốc điều hành Tập đoàn Central Retail, nhận định Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng với mức tăng trưởng GDP cao so với Thái Lan. Do đó, công ty sẽ tiếp tục đầu tư 1,45 tỉ USD để mở rộng quy mô, sự hiện diện cũng như củng cố vị thế hàng đầu trong phân khúc đại siêu thị. Qua đó nhằm nắm bắt các cơ hội kinh doanh tốt hơn tại thị trường Việt Nam.
Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, cho biết sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam chính là tiềm năng thị trường tiêu dùng nội địa, môi trường đầu tư thuận lợi và quyết tâm của Chính phủ trong việc đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng.
Theo các chuyên gia, việc các công ty Nhật Bản và Thái Lan khai thác tốt thị trường Việt Nam cho thấy họ tìm kiếm một con đường mới để phát triển kinh doanh và tăng doanh thu. Vì thị trường Nhật Bản hay Thái Lan có mức độ cạnh tranh cao và dường như đã đến ngưỡng bão hòa.
Trong bối cảnh trên, nếu chỉ tập trung vào thị trường nội địa, các công ty có thể gặp rủi ro do suy thoái kinh tế từ những biến động chính trị trên thế giới. Để giảm thiểu rủi ro, tham gia thương mại quốc tế giúp doanh nghiệp có được lợi thế là sự đa dạng hóa thị trường cũng như sự hưởng lợi về tỉ giá.
Tuy nhiên, sự hiện diện của các đối thủ mạnh của Thái Lan và Nhật Bản sẽ tạo sức ép về cạnh tranh thị phần, khách hàng lên các công ty Việt Nam khiến nhiều công ty Việt có thể phải rời bỏ thị trường. Nhưng ở góc độ tích cực, các công ty Việt buộc phải đổi mới và sáng tạo để tồn tại, tìm hướng đi mới nhằm cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại.
Điển hình như hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh, Co.opmart, hay cú thâu tóm Emart (Hàn Quốc) của Thaco đã có những bước đi đầy khác biệt, táo bạo, tạo sức hấp dẫn trên thị trường Việt Nam. Nó cũng thể hiện nhiều công ty Việt có năng lực cạnh tranh ngang ngửa với các đối thủ mạnh Nhật Bản, Thái Lan.
AEON đã đầu tư gần 1,2 tỉ USD vào Việt Nam
Việt Nam là thị trường đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới của Tập đoàn bán lẻ Nhật Bản AEON với tổng giá trị đầu tư lên đến gần 1,2 tỉ USD.
Hiện AEON đang vận hành sáu cửa hàng với doanh thu và lợi nhuận khá lớn tại Việt Nam.
Cụ thể, theo dữ liệu Vietdata, năm 2020, hãng bán lẻ Nhật Bản thu được 1.000 tỉ đồng. Đến năm 2022, mức doanh thu đã tăng lên gần 1.400 tỉ đồng, lợi nhuận trên 600 tỉ đồng, tăng 600% so với năm 2020. AEON cũng đặt tham vọng mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam trong tương lai.