Mặt bằng cho thuê khu sầm uất cũng ...ế ẩm dịp giáp Tết

(PLO)- Nhiều chủ nhà đã giảm 50% giá cho thuê, tuy nhiên, vẫn không có người thuê. Nguyên nhân được cho là do kinh tế khó khăn, hành vi mua sắm của người dân thay đổi.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuối năm thường là lúc mặt bằng nhà phố được nhiều người tìm thuê để phục vụ nhu cầu mua, bán hàng Tết.

Tuy nhiên, trái ngược với thời điểm cận Tết trước kia, năm nay, tại nhiều tuyến phố ở trung tâm Thủ đô - nơi vốn là địa điểm kinh doanh sầm uất - đang phải chịu cảnh đóng cửa, treo biển cho thuê, sang nhượng.

Giảm 50% tiền thuê nhà nhưng vẫn không có người thuê

Dạo qua các tuyến phố lớn như Cửa Nam, Hàm Long, Hàng Bông, Hàng Giấy, Hàng Ngang, Hai Bà Trưng không khó để thấy rằng, hàng loạt cửa hàng ở vị trí khu trung tâm đắc địa, có mặt tiền rộng lại đang đóng cửa im lìm, thay vào đó là những bảng biển cho thuê cửa hàng treo chi chít.

cho thuê
Nhiều cửa hàng ở vị trí đắc địa, có mặt tiền rộng lại đang đóng cửa im lìm dịp tết cận kề. Ảnh: MINH TRÚC

Theo ông Hồ Văn Lợi, người dân sinh sống trên phố Hai Bà Trưng, mọi năm, nhất là thời điểm cuối năm, không có một cửa hàng nào trên tuyến phố này đóng cửa hay bỏ trống. "Bình thường một cửa hàng cho thuê khoảng 20-25 triệu đồng/tháng, đến bây giờ ra giá 12-15 triệu đồng/tháng, nghĩa là đã giảm giá gần một nửa nhưng vẫn không có người thuê", ông Lợi nói.

cho thuê 1.jpeg
Dù đã được giảm giá cho thuê, nhưng nhiều mặt bằng trên các phố lớn vẫn không có người thuê. Ảnh: MINH TRÚC

Anh Sỹ Cường, chủ mặt bằng cho thuê tại khu vực phố cổ cho hay, năm nay gia đình anh đã giảm 50% tiền thuê nhà nhưng vẫn không có người thuê. Đa phần người đến thuê ở khu vực này để bán quần áo, tuy nhiên, hiện nay, bán hàng trực tiếp tại cửa hàng không lãi bằng kinh doanh online, hay qua các sàn thương mại điện tử.

Chính vì thế, để tiết kiệm chi phí trước tình hình kinh tế khó khăn nhiều người kinh doanh “dẹp” tiệm tại phố lớn, chuyển về nhà bán online hoặc thuê mặt bằng ở các ngõ, hẻm với giá rẻ hơn.

Giảm bớt cơ sở kinh doanh, vẫn khó duy trì bài toán kinh tế

Chia sẻ với PV, chị Minh Châu (chủ tiệm chăm sóc móng tay trên phố Cầu Gỗ) cho biết, trong năm 2023 vừa qua, chị đã phải đóng cửa 2 cơ sở vì số lượng khách ít, chi phí mặt bằng cao.

Chị Châu cho hay, dịp cuối năm là thời điểm cửa hàng chị rất bận rộn, khách hàng thường phải đặt lịch trước khi đến chăm sóc móng tay. “Thời điểm này mọi năm là cửa hàng tôi đông khách lắm, tôi còn phải tuyển thêm nhân viên. Cả chủ và nhân viên cùng làm mà vẫn còn có khách phải ngồi chờ”, chị Châu nói.

Tuy nhiên, năm nay lượng khách giảm đi rõ rệt, chỉ còn 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên Đán nhưng khách hàng đến làm móng tay cũng chỉ "lác đác", đa phần là khách quen của cửa hàng.

cho thuê
Nhiều mặt bằng nhà phố cổ treo biển cho thuê nhà. Ảnh: MINH TRÚC

Nói thêm, chị cho biết, không chỉ cơ sở ở Cầu Gỗ mà 2 cơ sở còn lại của chị cũng bị ảnh hưởng không nhỏ sau đại dịch Covid-19. Mặc dù chủ nhà cũng đã giảm bớt tiền cho thuê mặt bằng nhưng bài toán kinh tế vẫn đang mất cân đối, khó khăn chồng chất khó khăn.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn - nhu cầu kinh doanh, trưng bày sản phẩm tại các tuyến phố lớn không còn là nhu cầu cấp bách như trước nữa. Hành vi mua sắm của người dân, nhất là những bạn trẻ hiện nay đã thay đổi. Họ không cần đến cửa hàng để xem mặt hàng, thay vào đó họ “chốt đơn” ngay tại các phiên livestream, hoặc trên sàn thương mại điện tử.

Theo vị chuyên gia này, để nhà mặt phố cho thuê hết ế ẩm, chủ nhà và người thuê nên chủ động phương pháp ứng phó với khó khăn chung; có biện pháp thích nghi với tình hình kinh tế mới trong bối cảnh năm 2024 được dự báo vẫn còn khó khăn.

Đặc biệt, cả người cho thuê và người thuê nhà cần đàm phán giảm chi phí thuê sao cho phù hợp, để cân đối bài toán kinh tế. Có như vậy, mới “nhen nhóm” được sự quay trở lại của thị trường cho thuê nhà mặt phố.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm