Lễ hội cầu mưa là nghi lễ quan trọng, có từ thời xa xưa của người dân tộc Cor. Lễ hội thể hiện khát vọng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người Cor. Thông qua lễ hội, người dân cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Cầu mưa vì hạn hán
Trong đời sống tâm linh, người Cor quan niệm, lễ hội sẽ là nơi giúp họ có một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Lễ hội còn là nơi giúp người dân có cơ hội được giao lưu, tăng thêm tình đoàn kết, giúp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Cor.
Các già làng ngồi bên mâm lễ dâng lên thần linh. Ảnh : THANH NHẬT.
Già làng Trần Văn Hùng (53 tuổi, xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My) cho biết, lễ hội cầu mưa là lễ hội mang tính tâm linh, diễn ra trong thời gian hạn hán kéo dài. Người dân đồng bào Cor sống trên các vùng núi cao tỉnh Quảng Nam nên đời sống chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết. Từ lâu, người dân tâm nguyện rằng thần linh sẽ luôn ở bên cạnh, che chở nên lễ hội cầu mưa ra đời.
“Sau thời gian dài hoặc một năm ít mưa, người dân chúng tôi thường tổ chức lễ hội cầu mưa để thần linh phù hộ, che chở. Mong thời thời tiết sẽ thuận lợi hơn giúp cho mùa màng tươi tốt, đời sống của người dân được ấm no, hạnh phúc”, ông Hùng nói.
Các thiếu nữ Cor nhảy theo tiếng nhạc để cầu thần mưa. Ảnh: THANH NHẬT.
Trong lễ hội cầu mưa, mâm lễ bắt buộc phải có dâng lên gồm một con gà trống, một chén gạo, xôi, thịt lợn, cau, trầu, rượu, cơm lam, bánh lá đót.... Đây là những thứ quen thuộc, gắn bó với người dân đồng bào Cor.
Không thật lòng, thần linh không phù hộ
Trong lễ hội, những già làng uy tín nhất sẽ là người đại diện cho dân làng tổ chức cúng. Một già làng sẽ đóng vai thầy cúng cầm con gà trên tay với ý niệm dâng lên cúng thổ địa và thần nước. Khi tiếng cồng chiêng vang lên là lúc những già làng cùng nhau thay mặt cho dân làng cầu khấn thần linh phù hộ, che chở cho bà con.
Theo các già làng, để các thần linh phù hộ, người dân phải thực sự tin tưởng thần linh, thật lòng cầu khấn. “Nếu không thật lòng, các thần linh sẽ không phù hộ, che chở cho bà con”, một già làng cho biết.
Dân làng nhảy múa để mong một năm được thần mưa phù hộ. Ảnh: THANH NHẬT.
Trong tiếng cồng chiêng hòa cùng tiếng hò reo của người dân đồng bào. Vị thầy cúng sẽ đọc lời cầu khấn xin thần linh bằng tiếng Cor. Nội dung của lời cầu khấn này là những sính lễ bà con dâng lên thần núi, thần sông, thổ địa.
Thông qua lời cầu khấn, những vị thần sẽ hiển linh nhận lời mời của “thầy cúng” về hưởng mâm lễ của bà con dâng lên. Sau khi hưởng mâm lễ, các vị thần linh sẽ đứng ra che chở, phù hộ cho bà con có một năm may mắn, thời tiết thuận lợi, mùa màng tươi tốt.
Thả cá trong lễ hội cầu mưa. Ảnh: THANH NHẬT.
Trong lễ hội cầu mưa, có hai phần gồm một phần lễ và phần hội. Sau phần lễ trang nghiêm, linh thiêng là phần hội diễn ra tưng bừng, náo nhiệt trong sự vui tươi của người dân.
Trong trang phục truyền thống, những thanh niên tưng bừng đánh trống, chiêng tạo nên tiếng nhạc quen thuộc. Còn những thiếu nữ Cor nhảy múa hòa theo tiếng nhạc. Không khí hội phần hội vui tươi, nhộn nhịp.
UBND huyện Bắc Trà My phối hợp cùng công ty Thủy điện Sông Tranh tổ chức lễ hội cầu mưa và thả 50.000 con cá giống các loại xuống hồ thuỷ điện Sông Tranh 2. Được biết, từ năm 2015 đến nay, đã có hơn 200.000 con cá giống được thả trong lòng hồ.