Đọc hồ sơ không kỹ, có thể làm oan!

Trong hội nghị khảo sát thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 do VKSND Tối cao phối hợp với VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức ngày 16-8, nhiều vướng mắc khác đã được tiếp tục nêu lên, nhất là vướng mắc về thời hạn tố tụng…

Theo ông Trần Văn Lân (VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), sẽ là một thách thức đầy rủi ro cho VKS nếu phải đưa ra quyết định phê chuẩn khởi tố hay không một bị can chỉ trong vòng ba ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của cơ quan điều tra như Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 quy định.

Tăng thời gian nghiên cứu hồ sơ

Ông Lân phân tích thời gian ba ngày như trên là quá ngắn, cần thiết phải tăng lên gấp ba lần (bằng với thời gian tạm giữ tối đa). Bởi lẽ cũng có những trường hợp với tài liệu của cơ quan điều tra gửi qua thì VKS thấy chưa đủ căn cứ để xác định bị can có thực hiện hành vi phạm tội hay không. Mặt khác, VKS không có đủ cán bộ, phương tiện hỗ trợ, trong khi phải chịu toàn bộ trách nhiệm về việc phê chuẩn khởi tố bị can, kể cả những sai lầm hoặc lỗi chủ quan của cơ quan điều tra. Do đó, nếu không đọc hồ sơ kỹ sẽ rất dễ dẫn đến khởi tố oan hoặc sai.

Cũng theo ông Lân, thực tiễn cho thấy khoản 1 Điều 239 BLTTHS quy định thời hạn kháng nghị của VKS cùng cấp là bảy ngày, của VKS cấp trên trực tiếp là 15 ngày kể từ ngày tòa ra quyết định là bất hợp lý. Bởi lẽ luật không quy định thời hạn tòa phải gửi quyết định cho VKS và VKS cũng không biết lúc nào tòa ra quyết định. Cho nên, có trường hợp khi VKS nhận được quyết định tòa gửi sang thì thời hạn kháng nghị đã hết. Vì vậy, ông Khánh kiến nghị sửa luật theo hướng đổi cách tính thời hạn kháng nghị, quy định kể từ ngày VKS nhận được quyết định của tòa.

Đọc hồ sơ không kỹ, có thể làm oan! ảnh 1

Thời gian quy định phê chuẩn việc khởi tố một bị can quá ngắn dễ dẫn đến oan sai. Ảnh minh họa: HTD

Chờ giám định quá lâu, nạn nhân bất hợp tác…

Thượng tá Nguyễn Hữu Tụng (Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết một bất cập hiện đang gây khó khăn cho hoạt động điều tra là phải chờ rất lâu mới có kết quả giám định. Trong khi đó, thực tế có những vụ án rất nghiêm trọng, gây dư luận xấu trong xã hội, cần phải sớm khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đề phòng bị can bỏ trốn nhưng cơ quan điều tra vẫn phải bị động, phụ thuộc vào kết quả giám định để có căn cứ xử lý đúng người, đúng tội.

Liên quan đến công tác giám định, trong nhiều vụ việc, việc có xử lý hình sự người gây án hay không cũng phụ thuộc vào kết quả giám định. Tuy nhiên, nạn nhân có thể bị mua chuộc hay bị dọa dẫm… nên không đi giám định theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Lúc này cơ quan điều tra lại không đủ căn cứ để xử lý hình sự người gây án.

Thượng tá Tụng kiến nghị khi sửa đổi, bổ sung BLTTHS, các nhà làm luật phải có quy định để điều chỉnh, gỡ vướng cho các trường hợp này.

Bảo quản vật chứng: Thông tư “chỏi” nhau

Điều 75 BLTTHS quy định cơ quan công an có trách nhiệm bảo quản vật chứng của vụ án trong giai đoạn điều tra, truy tố, cơ quan thi hành án có trách nhiệm bảo quản trong giai đoạn xét xử và thi hành án.

Nhiều đại biểu cho biết trên thực tế hiện nay đang tồn tại hai thông tư hướng dẫn về bảo quản vật chứng có nội dung “chỏi” nhau, khiến các cơ quan tố tụng lúng túng. Đó là Thông tư liên tịch số 05 ngày 7-9-2005 của VKSND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (về quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra và VKS trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS) và Thông tư số 06 ngày 5-7-2007 của Bộ Tư pháp. Theo đó, Thông tư liên tịch số 05 hướng dẫn cơ quan thi hành án tiếp nhận, bảo quản vật chứng kể từ khi có quyết định truy tố của VKS; còn Thông tư số 06 lại hướng dẫn cơ quan thi hành án tiếp nhận, bảo quản vật chứng kể từ khi tòa có quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Trong thực tiễn, hầu hết địa phương, cơ quan tố tụng áp dụng Thông tư 05 nhưng một số nơi lại áp dụng Thông tư 06.

Tăng quyền chủ động cho tòa

Điều 196 BLTTHS 2003 quy định tòa chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà VKS truy tố và tòa đã đưa ra xét xử. Tòa có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội danh khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố.

Theo tôi, quy định này chưa thể hiện được việc đề cao kết quả tranh tụng tại phiên tòa, không phù hợp với nguyên tắc khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Vì vậy, cần sửa điều luật trên theo hướng tòa chỉ xét xử bị cáo và hành vi mà VKS truy tố; tòa được quyền định tội danh và quyết định hình phạt đối với bị cáo theo kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Thẩm phán TRẦN MINH BẮC, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Bổ sung các biện pháp tự bào chữa

BLTTHS quy định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo được tự bào chữa cho mình nhưng lại không quy định rõ là để thực hiện được quyền đó thì họ được làm gì hay phải làm gì. Luật cần bổ sung theo hướng quy định rõ thêm các biện pháp thuận lợi để người bị tạm giữ, bị can, bị cáo tự bào chữa cho mình.

Luật sư VŨ BÁ THANH, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh
Bà Rịa-Vũng Tàu

Thu thập chứng cứ điện tử

Trong lĩnh vực hải quan điện tử mà ngành hải quan đang triển khai mở rộng, các chứng từ, chữ ký số được sử dụng phổ biến và có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, luật hiện hành lại chưa có quy định về việc thu thập chứng cứ là chứng cứ điện tử.

Ông TRẦN VĂN DANH, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh
Bà Rịa-Vũng Tàu

TRÙNG KHÁNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm