Nhiều tàu bị bắt giữ, xử phạt, song, “cuộc chiến” giữa lực lượng chức năng với hàng trăm con tàu sắt vẫn chưa đi đến hồi kết. “Cát tặc” đang tiếp tục đục khoét lòng sông gây sụt lở nhiều hécta bờ bãi, đe dọa sụt lún bờ kè mái đê.
Những chiếc tải trọng hàng trăm tấn chuyên hút cát trên sông Mã hầu như không có giấy tờ
“Ném hết đá chưa?”
Không quản giờ giấc, cứ vào thời điểm thủy triều dâng, hàng chục tàu sắt, tàu ximăng tải trọng từ 150-200m3 lại “hội quân” gần ngã ba Bông, đoạn qua địa phận xã Hoằng Khánh để “moi móc ruột gan” lòng sông Mã. Mỗi con tàu thường sử dụng từ hai vòi rồng trở lên. Những chiếc vòi này dài hơn 30m cắm sâu xuống đáy sông, xuyên qua lớp đất bùn dày 2-3m, chạm vào nguồn tài nguyên cát đang cạn kiệt dần. Tiếp đó, hàng chục máy nổ được khởi động phát ra thứ âm thanh hỗn tạp kêu đành đành gầm vang khắp một vùng sông nước mênh mông. Mỗi con tàu đậu tại chỗ, hút cát như kiểu hút dầu mỏ suốt khoảng 4-5 giờ đồng hồ thì đầy, và nhổ neo rời bến đưa cát đi tiêu thụ trái phép.
Việc trộm cắp tài nguyên của hàng trăm lượt tàu trong gần 3 tháng qua đang làm nhiều hécta đất canh tác của người dân xã này chìm xuống đáy sông Mã. Gọi là “cát tặc”, song gần như họ lấy sa khoáng một cách công khai. “Cát tặc” sẵn sàng “nghênh chiến” với bất cứ ai có ý định ngăn cản. Bà Nguyễn Thị Thái (trú thôn 6, xã Hoằng Khánh) bức xúc nói với tôi: “Toàn bộ khu vực bãi Đại Điền rộng hàng chục hécta đất bỗng chốc biến thành… mặt nước rồi. Rừng keo trước mặt anh rộng mấy hécta, trước nằm sâu trong đất liền, nhưng giờ nước xâm thực sát vào chân hàng cây ngoài cùng, lở lói tròi hết gốc rễ. Cứ đà này, mấy hôm nữa, anh quay lại, rừng keo chưa biết có còn không?”.
Việc hút cát trái phép không đúng mỏ quy định đang gây sụt lờ bờ bãi ở Hoằng Khánh rất nghiêm trọng. |
Ông Nguyễn Văn Ngôn - công an viên thôn 11, xã Hoằng Khánh - ngấp nghé 60 tuổi nhưng gần như ngày nào cũng phải có mặt cùng hàng chục “đồng nghiệp” - dân quân, cán bộ xã trực chiến để đối phó với đám “cát tặc”. Theo ông Ngôn, lực lượng chức năng không thể rời mắt được. Sểnh ra là “cát tặc” cạp tàu sát bờ thọc vòi rồng xuống hút ngay lập tức. Ông Ngôn nói: “Nhiều đối tượng hút trộm cát rất ngông nghênh, sẵn sàng đáp trả khi bị lực lượng chức năng truy đuổi. Cách đây hai hôm, trong lúc anh em chúng tôi về ăn cơm, khi quay ra bờ sông thì thấy hai tàu đang cạp cách bờ khoảng 50m, cắm 5 chiếc vòi rồi chọc xiên xuống hướng vào phía bờ hút cát. Vì không có phương tiện nên anh em mang đá ra ném. Đám “cát tặc” chẳng thèm để ý, thậm chí còn khiêu khích: “Ném mỏi tay chưa? Hết đá chưa?”. Phải tới khi tôi gọi điện về, huy động thêm lực lượng thì hai tàu này mới đủng đỉnh chuyển ra giữa sông rồi tiếp tục hút cát”.
“Bố yên tâm, có người lo rồi”
Tôi có mặt ở Hoằng Khánh đúng thời điểm chính quyền địa phương bắt giữ ba tàu hút cát trái phép. Lúc này, hai con tàu sắt và một tàu ximăng cơ bản đã hút được hàng chục mét khối cát và đang đậu giữa sông Mã. Trên các tàu rất đông lực lượng công an xã Hoằng Khánh bảo vệ. Cả ba tàu đều không có số hiệu đăng ký. Những người làm nhiệm vụ cho hay, có hai tàu sắt của Ngô Văn Khang, Ngô Văn Vương (trú xã Thiệu Khánh) và tàu vỏ ximăng của Dương Văn Hưng (trú xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa).
Tiếp cận lái tàu Ngô Văn Long (con trai chủ tàu Ngô Văn Khang), Long cho biết: Tàu của gia đình anh cũng như hàng trăm con tàu đang vận chuyển cát trên sông Mã đều không có đăng ký, đăng kiểm lưu hành. Bản thân Long cùng nhiều lái tàu khác không được đào tạo bài bản, không có giấy phép lái tàu. Họ chủ yếu vận hành theo cảm tính. Đang trò chuyện, Long xin phép gọi điện cho bố bị Công an xã Hoằng Khánh đưa lên trụ sở lập biên bản. Long nói: “Bố yên tâm. Tí nữa có người gọi điện, xã sẽ phải thả cho cả ba tàu đi”.
Dứt lời, Long quay lại nở nụ cười tự tin, tiếp tục khoe: “Bọn em tuy không bằng cấp, tàu không có giấy tờ nhưng luôn được đơn vị chức năng đường sông tạo điều kiện. Cứ mỗi tháng nộp 1,7 triệu đồng là “đầu xuôi, đuôi lọt” thôi. Cũng như các anh đi xe tham gia giao thông trên đường ấy. Vi phạm thì phải chi tiền”. Tôi hỏi: “Người tham gia giao thông đường bộ hầu hết đều có giấy phép lái xe, ai không có giấy phép, đút lót cũng khó thoát. Còn dưới đường thủy, hầu hết lái tàu cát các anh đều không bằng cấp, tàu không đăng ký, lại còn trộm cắp tài nguyên của quốc gia, dẫn tới sụt lở đất đai, gây thất thu cho ngân sách, song chả mấy khi bị bắt giữ?”. Long phân trần: “Thì các bác ấy cũng thông cảm... tạo điều kiện. Vì khó khăn bọn em mới phải đi trộm cát, nếu không thì chuyển sang làm nghề khác rồi”.
Rời tàu cát, tôi đến UBND xã Hoằng Khánh, công an xã này đang hoàn tất các thủ tục xử phạt vi phạm đối với ba chủ tàu. Biên bản xác định khối lượng vi phạm cho thấy: Tàu vỏ ximăng đã hút được 7,29m3; tàu của ông Khang 11,23m3; tàu ông Vượng 11,7m3. Căn cứ các quy định, đoàn công tác xử phạt hai tàu vỏ sắt mức 14 triệu đồng/tàu, tàu vỏ ximăng 7 triệu đồng. Song điều lạ là cả ba chủ tàu đều không chịu nộp phạt. Và đúng như lời Long nói qua điện thoại với ông bố trước đó: Một người đàn ông trạc 50 tuổi, cao hơn 1,6m, đậm người, liên tục lượn lờ gần khu vực cổng ủy ban xã dò la tin tức. Nhưng khi ông Nguyễn Văn Hồng - Chủ tịch UBND xã Hoằng Khánh - kiên quyết huy động lực lượng ra sông Mã tháo dỡ máy móc trên tàu thì các đối tượng “cát tặc” mới chấp nhận nộp phạt.
Đơn độc
Từng tiếp cận nhiều vụ “cát tặc”, song đây là lần đầu tiên, tôi tận mắt chứng kiến cảnh “đơn độc” của chính quyền cấp xã trong cuộc đối đầu với nạn khai thác cát trái phép. Ông Nguyễn Văn Hồng - Chủ tịch UBND xã Hoằng Khánh - tuổi đời còn khá trẻ (SN 1979) nhưng quyết đoán và thẳng tưng. Ông nói: “Tôi sinh ra, lớn lên ở đây. Đảng bộ, nhân dân bồi dưỡng, giáo dục, nuôi tôi và bầu tôi làm cán bộ thì tôi phải sống với bà con. Riêng tôi còn ngược ri nữa. Bắt được tàu là tôi yêu cầu bơm cát trả lại đáy sông chứ tôi không phạt cho tồn tại mô”.
Theo đó, từ ngày 20-1-2015, ông Hồng ký ban hành kế hoạch số
05/KH-UBND về việc tuần tra, kiểm soát tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn xã. Chính quyền Hoằng Khánh kiên quyết đấu tranh, sẵn sàng đối đầu nhằm dẹp “cát tặc”.
Xã làm lịch trực khép kín từng giờ. Ban ngày, liên tục có hai người tuần tra, kiểm soát dọc bờ sông, nếu phát hiện “cát tặc” thì báo cáo để huy động lực lượng làm nhiệm vụ. Khi đêm xuống sẽ có 5 người (gồm cả chủ tịch xã) phải mắc màn ngủ tại bờ sông canh mặt nước. Ông Đỗ Văn Tào - thôn đội trưởng thôn 5, xã Hoằng Khánh - là người tham gia “ngủ bờ sông” nhiều nhất. “Biết là khó khăn, vất vả, hiểm nguy nhưng anh em chúng tôi phải nỗ lực. Chỉ cần lơ là chút, “cát tặc” sẽ hoành hành ngay. Hôm HĐND xã họp, “chim lợn” liền báo tin cho “cát tặc” vào “oanh tạc” bờ bãi. Chúng tôi bố trí người ra đuổi, chủ tàu mới nhổ neo chạy ra giữa sông rồi lại hút cát tiếp”.
Mỗi lần chính quyền xã Hoằng Khánh tóm đám “cát tặc” trộm cắp tài nguyên đều có sự tham gia phối hợp của cán bộ Phòng TNMT, cán bộ Công an huyện Hoằng Hóa. Họ cũng đã bắt được hơn 10 vụ với khoảng gần 30 tàu. Nhưng “cát tặc” vẫn không chùn bước, bởi chúng nắm được điểm yếu của lực lượng xã Hoằng Khánh chỉ có duy nhất chiếc thuyền ximăng lắp máy nổ. Một lãnh đạo xã nói: “Người dân địa phương đã nhiều lần gọi điện báo tin đến Cảnh sát môi trường, CSGT đường thủy với mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc xử lý những đối tượng hút trộm cát. Nhưng lần nào báo tin cũng “bị lộ”. Khi lực lượng chức năng tới, các tàu cát đều “án binh bất động”. Không lẽ, chính quyền, công an xã này cứ suốt ngày ra canh gác mặt sông sao?
Theo ANH TUẤN (Lao Động)