Đối mặt cạnh tranh nước lớn gay gắt, ASEAN khẳng định tự cường và tự chủ chiến lược

(PLO)- Tự cường và tự chủ chiến lược là hai từ khóa được nhắc đến nhiều tại ba cuộc họp, hội nghị cấp thứ trưởng ngoại giao các nước ASEAN, tổ chức tại Lào ngày 6 và 7-6.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại hội nghị quan chức cao cấp (SOM), một nội dung được bàn là quan hệ đối ngoại của ASEAN, trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn gay gắt, với những biến động nhanh chóng, phức tạp trong môi trường an ninh thế giới và khu vực.

Trước thực tế ngay trong khu vực ASEAN đang tiếp tục tồn tại các vấn đề Biển Đông, Myanmar vốn đang thu hút sự quan tâm, tác động, cạnh tranh của các nước bên ngoài, SOM tiếp tục đồng thuận, nhấn mạnh rằng ASEAN cần duy trì đoàn kết, thống nhất, phát huy tự chủ chiến lược và vai trò trung tâm trong các nỗ lực thúc đẩy xử lý các vấn đề tác động trực tiếp tới hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.

Đối mặt với cạnh tranh nước lớn gay gắt, ASEAN tiếp tục khẳng định tự cường và tự chủ chiến lược
Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam Đỗ Hùng Việt đã tham dự loạt hội nghị, cuộc họp tại Lào, chuẩn bị cho hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 57 và các sự kiện liên quan sẽ diễn ra từ 24 đến 28-7 tới. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Theo đó, các nước nhất trí tiếp tục hỗ trợ Myanmar tìm kiếm giải pháp khả thi cho tình hình hiện nay trên cơ sở Đồng thuận 5 điểm, trong đó ủng hộ vai trò của Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN về Myanmar.

Các nước cũng đề cao tầm quan trọng của duy trì lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), góp phần vào tạo dựng môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Tại hội nghị quan trọng này, từng thành viên ASEAN cũng có những đề xuất, ý kiến thiết lập quan hệ đối tác mới, hoặc đề cập tới các đề nghị tham gia các cơ chế khu vực do ASEAN dẫn dắt như EAS, ARF… Các quan chức cấp cao ASEAN nhấn mạnh rằng việc xúc tiến quan hệ với các đối tác cần theo hướng thực chất, cùng có lợi, đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN.

Vấn đề hạt nhân tiếp tục nổi lên trong bối cảnh quan chức Nga liên tục phát đi những thông điệp về khả năng sử dụng loại vũ khí nguy hiểm này trong cuộc chiến tại Ukraine. Đây cũng là lo ngại âm ỉ ở bán đảo Triều Tiên.

Trước thực tế ấy, trong những ngày này, Ban điều hành Ủy ban Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân (SEANWFZ ExCom) cũng nhóm họp, tiếp tục chia sẻ tầm quan trọng của việc đảm bảo khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, qua đó đóng góp vào duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực cũng như các nỗ lực quốc tế trong giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Các nước thống nhất tiếp tục tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa ASEAN với các tổ chức khu vực và quốc tế liên quan; tham vấn nội bộ và với các nước sở hữu vũ khí hạt nhân để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, tạo tiền đề thúc đẩy các nước này sớm ký hiệp ước SEANWFZ.

Trong khuôn khổ các cuộc họp cấp chuyên môn này, các nước ASEAN cũng đánh giá về những tiến triển trong xây dựng Cộng đồng ASEAN; tiếp tục bàn về tăng cường kết nối và tự cường thông qua đẩy mạnh hội nhập, kết nối kinh tế, phát triển bao trùm, bền vững, chuyển đổi số…

Các cuộc làm việc trong hai ngày qua với các nội dung trên, trong đó nhấn mạnh tinh thần, quan điểm ASEAN đoàn kết, tự cường và tự chủ chiến lược, là bước chuẩn bị cho hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 57 và các sự kiện liên quan sẽ diễn ra từ 24 đến 28-7 tới tại Viêng Chăn, Lào – nước đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2024.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm