Mới đây TAND tỉnh Đồng Nai đã xử phúc thẩm, bác đơn kháng cáo của ông L. trong vụ kiện Công ty K. đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Điều rất lạ là cũng như cấp sơ thẩm, tòa đã buộc ông L. phải nộp án phí hơn 12 triệu đồng cho yêu cầu đòi tiền làm thêm giờ dù việc này sai quy định.
Bắt nộp án phí nhưng không chỉ rõ căn cứ
Theo hồ sơ, năm 1999, ông L. vào làm bảo vệ cho một công ty ở TP Biên Hòa. Năm 2004, công ty này chuyển giao toàn bộ máy móc, nhân sự cho Công ty K. Năm 2008, ông L. được Công ty K. ký hợp đồng làm bảo vệ, lương gần 3,8 triệu đồng/tháng.
Đến năm 2012, Công ty K. ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, buộc thôi việc ông L. Ông L. bèn kiện ra TAND TP Biên Hòa yêu cầu công ty phải nhận ông vào làm việc lại, bồi thường tiền lương và trả tiền làm thêm giờ…, tổng cộng hơn 680 triệu đồng.
Nhận đơn, TAND TP Biên Hòa gọi ông L. lên yêu cầu nộp tạm ứng án phí hơn 4,1 triệu đồng cho phần đòi Công ty K. trả hơn 634 triệu đồng tiền làm thêm giờ. ông L. khiếu nại rằng trường hợp của ông được miễn nộp tạm ứng án phí cũng như án phí nhưng tòa không chấp nhận.
Tháng 9-2014, TAND TP Biên Hòa mở phiên xử sơ thẩm. Tại phiên tòa, đại diện Công ty K. nói đã thông báo cho ông L. về việc bố trí các nhân viên bảo vệ làm công tác phục vụ vệ sinh, sửa chữa. Ai đồng ý làm công việc mới này thì công ty ký lại hợp đồng lao động. Ông L. không đồng ý làm công việc mới nên công ty mới chấm dứt hợp đồng và làm thủ tục trợ cấp. Do đó, ông L. cho rằng công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là không đúng. Ngoài ra, việc ông L. yêu cầu trả lương làm thêm giờ là không có cơ sở vì trước đó ông có làm việc thêm ngoài giờ với công ty cũ hay không thì Công ty K. không biết và cũng không có trách nhiệm trả.
Đồng tình với lập luận của đại diện Công ty K., TAND TP Biên Hòa đã bác đơn kiện của ông L. Ngoài ra, tòa buộc ông L. phải nộp án phí hơn 12 triệu đồng cho yêu cầu đòi tiền làm thêm giờ bị tòa bác (trong bản án, tòa không ghi rõ căn cứ vào quy định cụ thể nào, điều khoản áp dụng cụ thể nào).
ông L. kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm vừa qua, TAND tỉnh Đồng Nai đã bác kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm. Theo tòa án cấp phúc thẩm, trong quá trình giải quyết cho ông L. thôi việc, Công ty K. đã báo cho cơ quan quản lý nhà nước biết, đồng thời đã thanh toán các chế độ cho ông L. Về việc làm thêm giờ, ông L. chỉ cung cấp chứng cứ là bản viết tay không có sự phê duyệt của Công ty K. nên không có cơ sở chấp nhận…
Bắt nộp án phí là sai luật!
Vấn đề pháp lý đặt ra trong vụ việc trên là việc hai cấp tòa ở Đồng Nai buộc ông L. đóng án phí cho yêu cầu đòi tiền làm thêm giờ là đúng hay sai? Quy định về chuyện này ra sao?
Theo TS Nguyễn Văn Tiến (Trường ĐH Luật TP.HCM), vụ kiện của ông L. sẽ áp dụng BLLĐ sửa đổi, bổ sung năm 2007 và Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án năm 2009. Điều 61 Bộ luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi, bổ sung năm 2007 có quy định về “tiền lương làm thêm giờ”. Theo đó, người lao động làm thêm giờ được trả lương theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm. Như vậy, tiền làm thêm giờ cũng chính là tiền lương. Đối chiếu với khoản 2 Điều 11 Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án năm 2009 thì trường hợp đòi tiền lương được miễn nộp tạm ứng án phí, án phí.
Căn cứ vào các quy định trên thì việc hai cấp tòa sơ, phúc thẩm buộc ông L. phải nộp tạm ứng án phí cũng như án phí cho yêu cầu đòi tiền làm thêm giờ là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật. Ông L. hoàn toàn có quyền làm đơn khiếu nại, đề nghị chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo một tòa án ở TP.HCM cũng đồng tình với phân tích của TS Tiến. Theo vị thẩm phán này, tòa của ông (và cả các tòa khác ở TP.HCM) không bao giờ buộc người lao động phải nộp tạm ứng án phí cũng như án phí trong các trường hợp tương tự.
Tiền lương làm thêm giờ 1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm như sau: a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; c) Vào ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%. Nếu làm thêm giờ vào ban đêm thì còn được trả thêm theo quy định tại khoản 2 điều này. Nếu người lao động được nghỉ bù những giờ làm thêm thì người sử dụng lao động chỉ phải trả phần tiền chênh lệch so với tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm của ngày làm việc bình thường. 2. Người lao động làm việc vào ban đêm quy định tại Điều 70 của bộ luật này thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm vào ban ngày. Theo Điều 61 BLLĐ sửa đổi, bổ sung năm 2007 Các trường hợp miễn nộp tạm ứng án phí, án phí 2. Người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động...; Theo khoản 2 Điều 11 Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án 2009 Tòa xử sai, luật sư bị vạ lây Trong vụ án, ông L. nhờ luật sư T. (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) đại diện theo ủy quyền. Trước việc đi kiện đã không đòi được gì còn bị tòa sơ thẩm bắt nộp án phí, ông L. lên văn phòng luật sư nơi luật sư T. làm việc phàn nàn rằng luật sư T. làm việc thiếu tận tâm. Luật sư T. đã cố gắng giải thích cho ông L. biết là không hiểu vì sao tòa sơ thẩm lại tuyên như vậy dù quy định rất rõ ràng nhưng ông L. vẫn không thôi trách móc. Để củng cố niềm tin cho khách hàng, văn phòng luật sư phải cử thêm trưởng văn phòng tham gia phiên xử phúc thẩm. Đến khi thấy bản án phúc thẩm không ghi nhận ý kiến của luật sư, lúc đó ông L. mới hiểu ra được phần nào. “Chú L. có hoàn cảnh khó khăn, cho tới thời điểm này tôi chưa từng nhận một đồng nào của chú ấy cả. Tôi làm với tất cả cái tâm nhưng kết quả không như mong muốn, dẫn đến hiểu lầm đáng tiếc. Buồn lắm chứ nhưng tòa xử như thế, tôi biết làm sao được?” - luật sư T. tâm sự. |