Tuần này, các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới đã tập trung về TP Hàng Châu, Trung Quốc để dự Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 11. Chính quyền Bắc Kinh đã cố gắng thực hiện mọi biện pháp có thể, thậm chí là rất mạnh tay để có được một sự kiện “hoàn hảo”. Thế nhưng cách thức chuẩn bị cho sự kiện quốc tế lớn nhất năm 2016 của nước chủ nhà lại nói lên nhiều điều không mấy hoàn hảo.
“Phong tỏa Hàng Châu”
Xí nghiệp đóng cửa hàng loạt. Trời được làm trong xanh hơn. An ninh được thắt chặt. Chính quyền địa phương và trung ương tại Bắc Kinh cố gắng sử dụng mọi biện pháp để TP Hàng Châu được tân trang từ đầu đến chân, hay chí ít là những vẻ bên ngoài có thể dễ dàng được nhìn thấy. Người dân TP được nghỉ lễ 7 ngày, còn các tour du lịch đến những địa điểm bên ngoài TP thì được giảm giá rất mạnh, kênh CNN cho biết. Các quan chức TP hy vọng biện pháp này có thể đảm bảo một Hàng Châu không quá đông đúc, ngột ngạt và tránh sự cố kẹt xe kinh hoàng. Trong khi đó, hàng ngàn công nhân nhập cư cũng đã phải rời khỏi TP vì “tạm thời thất nghiệp”. Chính quyền TP đã cho đóng cửa hàng loạt nhà máy để giảm khí thải và giảm người đi lại trong TP.
Hội nghị được tổ chức tại Hàng Châu lần này cũng là lần đầu tiên Trung Quốc đăng cai làm chủ nhà cho G20. Đây cũng là lần thứ hai một quốc gia châu Á đứng ra tổ chức hội nghị thượng đỉnh cho 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cũng chính vì vậy, hội nghị tại Hàng Châu được chính quyền Bắc Kinh xem là “cột mốc lịch sử” đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc với vị thế là một cường quốc. Và đương nhiên chính quyền TP Hàng Châu và cả trung ương Bắc Kinh không chấp nhận bất kỳ một rủi ro nào trong quá trình tổ chức. Kênh truyền hình CNN nhận định toàn bộ TP Hàng Châu “gần như bị phong tỏa” để đón chào các nhà lãnh đạo thế giới.
Chỉ vài ngày trước khi các đoàn quan khách quốc tế đến TP, các chiến dịch an ninh được tiến hành liên tiếp. Cảnh sát vũ trang được triển khai chặn các tuyến đường chính và cao tốc vào TP. Cảnh sát TP được trang bị thêm nhiều xe mới, có gắn cả máy quay an ninh để tuần tra mọi tuyến đường. Các cảnh vệ áo đen được điều động tuần tra nghiêm ngặt.
Các nguyên thủ quốc gia chụp ảnh tại lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 11 tại Hàng Châu. Ảnh: REUTERS
Dân chỉ biết kêu trời
Tại Tây Hồ, địa điểm nổi tiếng của Hàng Châu, cảnh sát và nhân viên bảo vệ được bố trí mỗi người cách nhau chỉ 5-10 m, tờ Thời báo Hoàn cầu mô tả. An ninh tại Hàng Châu được thắt chặt tới mức nghẹt thở. Nhiều biện pháp an ninh được đưa ra nghiêm ngặt đến mức người dân chỉ biết kêu trời. Trả lời PV của CNN, một người lao động nhập cư cho biết chính quyền địa phương đã đến nhà ông lấy đi bình gas, bảo rằng không đảm bảo đủ tiêu chuẩn an toàn.
Người lao động nhập cư cũng không mấy khá hơn. Với hàng trăm nhà máy bị tạm thời ngưng hoạt động, nhiều người lâm cảnh không có công ăn việc làm. Lương bổng nhiều nơi không được giải quyết do hội nghị. Wu Yuhua - một người bán hàng trả lời The Guardian: “Sự kiện này chẳng giúp ích được gì cho chúng tôi. Tất cả người lao động đều về nhà. Khách hàng thì toàn người lạ. Chẳng thể làm được gì cả, chắc chúng tôi cũng phải đóng cửa mất thôi”.
Không chỉ Hàng Châu mà xí nghiệp tại nhiều TP lân cận cũng khốn đốn. Tại TP cảng Ninh Ba, cách Hàng Châu 150 km, nhiều trực thăng liên tục vần vũ trên bầu trời TP để giám sát xem có cơ sở nào xả khói thải hay không, theo The Guardian. “Bầu trời có trong hơn thật. Nhưng cái gì cũng có giá của nó” - một doanh nhân tại Ninh Ba cho biết.
Tại một khu ổ chuột nằm gần địa điểm tổ chức hội nghị, PV của tờ The Guardian có thể dễ dàng phát hiện các băng rôn của quan chức địa phương kêu gọi người dân đẩy mạnh việc diệt côn trùng. “Chung tay đóng góp cho hội nghị thượng đỉnh bằng cách dẹp sạch bốn loại sâu bọ!”. Các quan chức khu vực này đã cố gắng vận động từng nhà diệt ruồi, muỗi, gián và chuột để khu vực xung quanh nơi tổ chức sự kiện sạch nhất có thể.
Hãng Sky News cho biết chính quyền địa phương cũng đã đẩy mạnh dập tắt các ý kiến chỉ trích tại TP trong giai đoạn hội nghị. Yang Weidong, một nhà hoạt động xã hội tại Hàng Châu trả lời Sky News rằng những ngày qua cảnh sát đã bố trí đối diện nơi ông ở để tăng cường giám sát. Weidong đã bị Trường ĐH Thanh Hoa cho thôi việc theo yêu cầu của cảnh sát, Sky News cho biết.
Theo tờ The Guardian, cảnh sát đã ra thông báo cấm tuyệt đối mọi nhà hoạt động xã hội không được phát ngôn bất kỳ điều gì làm xấu mặt TP và chính quyền Trung Quốc. Những người này cũng được nhắc nhở hạn chế tối đa trao đổi với báo giới nước ngoài. Một số nhà thờ địa phương cũng phải tạm thời đóng cửa nhưng chính quyền không tiết lộ lý do cho báo giới.
Cảnh sát Hàng Châu được trang bị thêm hàng loạt xe tuần tra. An ninh được thắt chặt như thể cả TP bị phong tỏa. Ảnh: IMAGINECHINA
Các khu dân cư gần Trung tâm Triển lãm quốc tế Hàng Châu cũng được tân trang hàng loạt. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Lớp áo tạm cho TP
TP Hàng Châu được lựa chọn làm nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 vì các danh lam thắng cảnh tại đây. TP còn mang ý nghĩa biểu tượng cho sự phát triển của Trung Quốc, chuyển mình từ “công xưởng thế giới” sang một nền kinh tế công nghệ cao. Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, một trong những công ty lớn nhất và là dự án khởi nghiệp thành công nhất Trung Quốc cũng được thành lập tại Hàng Châu. Nơi đây cũng chính là quê nhà của tỉ phú Jack Ma, nhà sáng lập nên Alibaba.
Trước khi các lãnh đạo thế giới đến Hàng Châu, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã yêu cầu chi ra hàng triệu đô để tân trang lại toàn bộ TP, trồng thêm cây cối, đóng cửa nhà máy, xây thêm đường sá và nhà cửa để tạo hình ảnh đẹp cho quan khách quốc tế. TP còn nhanh chóng cho dựng lên nhiều biểu ngữ gọi Hàng Châu là “Thiên đường trên Trái đất!”. Người dân ở các khu dân cư nghèo bấy lâu, đặc biệt là những khu gần nơi tổ chức sự kiện trong khuôn khổ G20, cũng đột nhiên được quan tâm lo lắng sau biết bao thập niên bị lãng quên. Tại khu phố nghèo nằm lân cận Trung tâm Triển lãm quốc tế Hàng Châu, các đội xây dựng từ đâu đổ xô đến trong những tháng qua để làm lại đường sá, đường ống thoát nước. Họ còn được nhanh chóng xây mới cả một khu căn hộ ba tầng cho gần 6.800 dân cư, tờ The Guardian cho biết.
Người dân TP cũng bất ngờ trước bầu trời “xanh đến bất thường” của tỉnh này suốt nhiều năm qua. “Đến giờ tôi mới lại được thấy sao trời vào ban đêm” - một người dân trả lời The Guardian. Là một trong những TP đẹp nhất Trung Quốc, thế nhưng Hàng Châu cũng không thoát được căn bệnh chung của nền kinh tế phát triển quá nóng này: Ô nhiễm. Mức độ ô nhiễm của TP vào năm 2014 xếp thứ 43 trong 73 TP của Trung Quốc, theo tổ chức Hòa bình xanh.
Để phục vụ cho kỳ họp, chính quyền địa phương đã cho “thanh tẩy” bầu trời bằng cách đóng cửa hoặc di dời hàng loạt cơ sở xí nghiệp gây ô nhiễm. Có gần 225 nhà máy bị yêu cầu đóng cửa, theo kênh CNN. Giao thông trong hàng châu bị hạn chế. Gần một nửa số xe cộ trong TP bị cấm di chuyển kể từ ngày 28-8 đến hết kỳ họp. Mức ô nhiễm PM2.5 của TP giảm đột biến từ 66,1 vào năm 2014 xuống còn có 35 microgram trên 1 m3. Cả các TP lớn như Hoàng Sơn, An Khánh, Nghĩa Ô và Thượng Hải nằm lân cận cũng được yêu cầu cắt giảm khí thải.
Chính quyền từ chối tiết lộ tổng chi phí bỏ ra để “lột xác” TP Hàng Châu cho G20. Tuy nhiên, các công trình lớn được thông báo tiêu tốn không dưới 6 triệu đô. “Chúng tôi sẽ tận dụng cơ hội này để đưa TP phát triển lên một tầm cao mới” - bí thư Tỉnh ủy Hàng Châu khẳng định hồi đầu năm 2016.