Phản ánh đến báo Pháp Luật TP.HCM, người dân xã Thanh Bình Thịnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh) cho biết giá nước sạch nơi đây trong tháng 8 lên tới 22.000 đồng/m3, còn các tháng trước là 15.000 đồng/m3. Trong khi đó, nước bán tại Nhà máy nước Hồng Lĩnh hiện nay có giá 6.500 đồng/m3, khi đấu nối vào hệ thống cấp nước của thôn và về đến từng hộ dân giá nước bị đẩy lên cao. Mức giá nước như vậy còn cao hơn các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
“Đến nay, giá nước đã vượt sức chi trả của người dân. Vì ở xã chúng tôi, hầu hết gia đình làm nghề mộc nên nhu cầu sử dụng nước sạch lớn, có những nhà hóa đơn tiền nước mỗi tháng hơn 1 triệu đồng” - anh Võ Hoàng Việt, ngụ thôn Bình Tiến B, nói.
Cũng theo anh Việt, nguyên nhân giá nước cao được giải thích có thể do đường ống rò rỉ khiến nước thoát ra ngoài, hoặc do đồng hồ nước một số hộ dân bị hỏng nên khối lượng dùng không đúng thực tế. Trong khi đó, khối lượng mua dưới đồng hồ tổng từ Nhà máy nước Hồng Lĩnh tăng cao. Để bù khối lượng nước thất thoát, thôn thực hiện chia đều trên đầu người.
“Nếu có sự cố họ phải kịp thời xử lý, đồng hồ ai chạy không đúng phải kiểm tra giám sát và xử phạt; chứ không thể bổ trên đầu người, bắt cả xã phải chịu thay” - anh Việt nói.
Cạnh đó, một số hộ dân không đồng tình việc xã sẽ thu 4,5 triệu đồng để thay thế hệ thống cấp nước. Bởi việc này nên cho Nhà máy nước Hồng Lĩnh vào làm và họ sẽ là người bán nước trực tiếp cho dân, không qua xã vì phát sinh tiêu cực.
Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình Thịnh, cho biết từ năm 2020, xã Thanh Bình Thịnh được sáp nhập từ 3 xã Đức Thanh, Thái Yên, Đức Thịnh.
Người dân các thôn thuộc các xã Đức Thanh, Đức Thịnh cũ sử dụng nước sạch trực tiếp từ Trung tâm Nước sạch nông thôn quản lý nên giá thấp, hiện chỉ hơn 7.000 đồng/m3.
Trong khi người dân 5 thôn gồm: Bình Định, Bình Tân, Bình Hà, Bình Tiến A, Bình Tiến B (trước đây thuộc xã Thái Yên cũ) từ cách đây khoảng 10 năm đã hợp đồng mua nước từ Nhà máy nước Hồng Lĩnh.
Từ khi sáp nhập xã đến nay, các thôn vẫn chưa bàn giao hợp đồng nước về cho UBND xã Thanh Bình Thịnh quản lý. Vì vậy "Việc thu tiền nước do cán bộ các thôn, xã không liên quan !?" - ông Dũng nói.
Tuy nhiên, khi nhận được phản ánh của người dân, xã chỉ đạo các thôn tăng cường kiểm tra, xác định nguyên nhân. Theo báo cáo các thôn, nguyên nhân do một số đồng hồ nước không chạy trong khi hộ gia đình vẫn tiêu thụ nước nên gây thất thoát so với tổng khối lượng mua dưới đồng hồ tổng từ Nhà máy nước ở Hồng Lĩnh, nên đã thu giá cao chung để bù vào.
“Hiện xã đã giao các thôn xác định cụ thể những hộ nào tiêu thụ nước mà đồng hồ hỏng không chạy để tính truy thu, kịp thời sửa chữa đồng hồ để tháng tới đây tránh thu oan giá cao cho nhiều hộ khác đồng hồ vẫn chạy đúng…”- ông Dũng cho hay.
Về lâu dài, UBND xã Thanh Bình Thịnh đã đề xuất một dự án lắp đặt đường ống mới, Nhà máy nước Hồng Lĩnh trực tiếp cấp nước, thu tiền từ các hộ dân này. Theo kế hoạch, từ tháng 9 tới đây sẽ khởi công.