Ngày 23-10, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Chỉ thị về các biện pháp tạm thời Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, trong thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã triển khai quyết liệt đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Căn cứ vào Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, tỉnh Đồng Nai được xếp ở mức độ dịch cấp 2 (nguy cơ trung bình).
Do đó, từ 0 giờ ngày 24-10, trên địa bàn toàn tỉnh Đồng Nai (trừ các khu vực, vùng cách ly y tế, phong tỏa) người dân được tham gia lưu thông trong nội tỉnh khi đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 dưới sáu tháng.
Khi tham gia lưu thông người dân phải sử dụng mã QR trên ứng dụng PC-COVID và thể hiện lịch sử tiêm chủng; trường hợp không có mã QR thì xuất trình giấy xác nhận đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc giấy xác nhận đã khỏi bệnh COVID-19 dưới sáu tháng khi các cơ quan chức năng yêu cầu.
Đồng Nai nởi lỏng nhiều hoạt động dịch vụ trong tình hình mới. Ảnh: VŨ HỘI
Việc đi lại ngoài tỉnh người dân phải tuân thủ theo quy định của Bộ Y tế, Bộ GTVT cũng như yêu cầu của địa phương nơi đến.
Đồng Nai tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát phòng, chống dịch giáp ranh các tỉnh, thành lân cận; các chốt kiểm soát đường thủy, cửa khẩu cảng, các chốt kiểm soát tại các khu vực phong tỏa trong phạm vi hẹp.
Các hoạt động như sự kiện, đám cưới, đám tang được hoạt động tối đa không quá 30 người (trong nhà) và không quá 45 người (ngoài trời) cùng một địa điểm. Các hoạt động phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch, 100% người tham gia phải là những người đã tiêm ít nhất một mũi vaccine sau 14 ngày hoặc khỏi bệnh COVID-19 dưới sáu tháng.
Các hoạt động vận tải hành khách công cộng, đường thủy nội địa, hàng hải, hoạt động lưu thông, vận chuyển hàng hóa liên tỉnh hoặc nội tỉnh đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch theo hướng dẫn của Sở GTVT.
Các đơn vị thi công các dự án, công trình giao thông, xây dựng được hoạt động khi có phương án và và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch. Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, sản xuất, kinh doanh nông, ngư nghiệp, dịch vụ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh hoạt động đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Cơ sở kinh doanh dịch vụ bao gồm trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ truyền thống được hoạt động khi có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch.
Các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không phục vụ thức uống có cồn được hoạt động không quá 50% công suất, giữ khoảng cách 1 m. Cơ sở kinh doanh các dịch vụ như vũ trường, karaoke, massage, quán bar, internet, trò chơi điện tử, làm đẹp, spa... tiếp tục ngừng hoạt động. Riêng cơ sở làm tóc được hoạt động phải đảm bảo các biện pháp chống dịch.
Người bán hàng rong, vé số được hoạt động khi đã tiêm ít nhất một mũi vaccine sau 14 ngày hoặc khỏi bệnh COVID-19 trong sáu tháng.
Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phải có phương án và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch.
Hoạt động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự tập trung tối đa 30 người. Người tham gia phải được tiêm ít nhất một mũi vaccine sau 14 ngày hoặc khỏi bệnh COVID-19 trong sáu tháng.
Các cơ sở, địa điểm nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, điểm tham quan du lịch được hoạt động khi có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở. Bảo tàng, triển lãm, thư viện, rạp chiếu phim, cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao,… được hoạt động tối đa 50% công suất.
Các cơ sở khám, chữa bệnh (trừ phẫu thuật thẩm mỹ), cơ sở kinh doanh, vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế công lập, ngoài công lập được hoạt động và phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị người dân luôn nêu cao ý thức tự giác, chủ động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; thực hiện nghiêm quy tắc 5K. "Yêu cầu người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin để khai báo y tế, đăng ký tiêm chủng vaccine, đăng ký khám chữa bệnh, cập nhật chứng nhận tiêm chủng, quét mã QR khi ra/vào địa điểm công cộng…" - Chỉ thị của UBND tỉnh Đồng Nai nêu rõ.
Người dân có thể tự thực hiện lấy mẫu test nhanh kháng nguyên theo hướng dẫn của cơ quan y tế khi có nhu cầu hoặc có các triệu chứng của bệnh đường hô hập. Nếu có kết quả dương tính cần liên hệ ngay với đường dây nóng của trạm y tế, Trung tâm y tế để được xử lý.