Đồng nghiệp Huyền Như tố cơ quan điều tra, kêu oan

Đồng nghiệp Huyền Như tố cơ quan điều tra, kêu oan ảnh 1
 

Kêu oan và cho là bị lừa
Tại phiên toà sáng, đáng chú ý, bị cáo Vũ Nguyễn Xuân Tiên, nguyên Phó trưởng phòng Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc VietinBank Chi nhánh TP HCM, (án sơ thẩm tuyên phạt 11 năm tù) kêu oan và cho rằng mình không phạm tội mà bị lừa. Với trường này HĐXX sử dụng hồ sơ gốc để đối chứng với lài khai của bị cáo tại toà.
Theo hồ sơ, Tiên là người ký phê duyệt hồ sơ tín dụng và ký giải ngân đối với 6 khoản vay tổng số tiền hơn 33 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm là 5 thẻ tiết kiệm có tổng giá trị hơn 34 tỷ đồng mang tên 3 cá nhân là nhân viên ACB và Navibank – Đây là những hồ sơ do Huyền Như làm giả. Hậu quả là Huyền Như đã chiếm đoạt trót lọt hơn 33 tỷ đồng.

Tại toà, bị cáo Tiên xác nhận đã ký giải ngân 6 hồ sơ vay nhưng cho rằng khi ký giải ngân 6 hồ sơ đã có đủ chữ ký của người vay, người bảo lãnh. Với vai trò của mình khi đó bị cáo không biết và không cần biết những người này không có mặt. Việc Như ký giả chữ ký của người vay, người bảo lãnh bị cáo không biết. Do 6 hồ sơ vay bị cáo ký giải ngân đều hợp lệ nên Tiên nói không có vi phạm trong việc cho vay. 

Đồng thời bị cáo cho rằng bản cung tại cơ quan điều tra là do cơ quan điều tra tự làm bắt ký vào không thể hiện đúng lời khai của mình và sự thật vụ án.

Đối chất tại toà, các bị cáo khác cho là khi Tiên ký giải ngân thì có hồ sơ không có chữ ký của khách hàng và cả 6 hồ sơ vay đều không có chữ ký của người bảo lãnh. Sau khi giải ngân xong hồ sơ được đưa cho Như ký hoàn tất hồ sơ vay.

Đồng nghiệp Huyền Như tố cơ quan điều tra, kêu oan ảnh 2
 

Không nhớ nổi làm giả bao nhiêu hồ sơ
Còn Huyền Như, khi được luật sư hỏi về việc đã làm giả bao nhiêu hồ sơ, số tiền phải bồi thường thiệt hại là bao nhiêu… thì bị cáo đều có cùng câu trả lời: “Tôi không nhớ rõ”. Huyền Như chỉ xác nhận là theo lời khai trong hồ sơ vụ án và số tiền phải bồi thường cho các bị hại mà tòa cấp sơ thẩm đã tuyên phạt.
Cụ thể hồ sơ thể hiện để chiếm đoạt số tiền 4.000 tỷ của 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân, Như đã thuê làm giả 8 con dấu của VietinBank chi nhánh Nhà Bè và các công ty để sử dụng đóng vào các tài liệu, giấy tờ; làm giả 110 Hợp đồng tiền gửi và Phụ lục hợp đồng của VietinBank chi nhánh Nhà Bè; 38 Hợp đồng ủy thác đầu tư vốn của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, chi nhánh TP.HCM với các bị hại; Làm giả 42 hợp đồng tiền gửi; giấy xác nhận phong tỏa của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè với 12 khách hàng để dùng thế chấp vay.....
Ngoài ra, Như còn làm giả nhiều Lệnh chi của các cơ quan, tổ chức gửi tiền để chuyển tiền từ tài khoản của họ tại ngân hàng đến các địa chỉ theo mục đích của Như rồi chiếm đoạt.
Lãnh đạo VietinBank "né" triệu tập của toà
Trong phiên xử này, khi luật sư của Navibank có yêu cầu được thẩm vấn ông Nguyễn Văn Sẽ - nguyên giám đốc VietinBank chi nhánh TP.HCM thì HĐXX cho biết đã có giấy triệu tập ông Sẽ đến tòa nhưng địa phương cho biết ông Sẽ đã rời khỏi địa phương, đi đâu không rõ. Đến chiều, luật sư ACB tiếp tục yêu cầu được hỏi ông Sẻ, HĐXX cho biết rõ địa phương hồi báo gia đình ông đã đóng cửa nhiều ngày nay.
Trước đó, trong ngày khai mạc phiên tòa, HĐXX chấp nhận đề nghị của luật sư của ACB triệu tập ông Sẽ đến phiên xử với vai trò nhân chứng. Ngay sau đó, toà đã ký ngay giấy triệu tập ông Sẽ đến tòa nếu ông Sẽ không chấp hành thì sẽ áp dụng các biện pháp triệu tập theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, yêu cầu của luật sư buộc hai phó giám đốc VietinBank Chi nhánh TP.HCM Nguyễn Thị Minh Hương và Trương Minh Hoàng được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (hai người này cũng bị tòa sơ thẩm kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ và xử lý về hành vi thiếu trách nhiệm - PV) phải có mặt tại phiên xử để làm rõ nhiều vấn đề cũng bị bác. Theo HĐXX, tòa đã triệu tập nhưng họ có đơn xin xét xử vắng mặt, luật không cho phép tòa dùng biện pháp khác buộc họ phải đến tòa.
Hiện tòa bắt đầu phiên làm việc buổi chiều.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm