Số nợ này chủ yếu của các “ông lớn” doanh nghiệp (DN) nhà nước, trong đó bao gồm cả nợ được bảo lãnh để tái cơ cấu Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC - tiền thân là “quả đấm thép tan chảy” Vinashin).
Con số gần 21 tỉ USD ấy khiến nhiều người giật mình, nhất là trong bối cảnh hiện đang có không ít những dự án ngàn tỉ trùm mền, đắp chiếu vì thua lỗ.
Nào là Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nào là Sợi Đình Vũ, Bio-Ethanol Dung Quất, Cái Mép - Thị Vải. Ấy là chưa kể đến những nhà máy đạm Hà Bắc, đạm DAP 1 Lào Cai, DAP 2 Hải Phòng, ethanol Bình Phước, ethanol Phú Thọ…
Có chuyên gia đã từng nhẩm tính nếu cộng tất cả dự án đầu tư thua lỗ, đắp chiếu, trùm mền trên cả nước, con số đó là vô cùng lớn. Không xót xa sao được khi hàng vạn tỉ đồng ấy là gánh nặng của quốc gia, kìm hãm sự phát triển và sẽ đè lên tương lai con cháu chúng ta.
Lẽ ra bất kể dự án nào, dù là sử dụng vốn vay hay sử dụng tiền thuế của người dân đóng góp, những người đứng đầu dự án phải có trách nhiệm từ khâu lập dự án cho đến triển khai. Chẳng biết những người có trách nhiệm phê duyệt và những người đứng đầu các dự án thua lỗ có ý thức rằng: Tiền đi vay hôm nay chính là gánh nặng của tương lai hay không?
Trả lời chất vấn tại Quốc hội hồi tháng 11-2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói đề ra biện pháp khắc phục các dự án ngàn tỉ đắp chiếu rằng: “Phải rạch ròi hơn nữa trong quản lý các nguồn lực đầu tư của Nhà nước; làm rõ vai trò của DN nhà nước và trách nhiệm giữa bộ chủ quản, bộ quản lý về quy trình, thủ tục đầu tư của các DN”.
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 1-3, thông tin về nội dung cuộc thảo luận liên quan đến dự án Luật quản lý nợ công trong cuộc họp Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay: Các thành viên Chính phủ đã thống nhất phạm vi nợ công chỉ gồm nợ chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương, không bao gồm nợ tự vay tự trả của DN nhà nước nhằm bảo đảm bình đẳng giữa các DN thuộc các thành phần kinh tế. Và một tinh thần quan trọng được vạch ra là: Phải sử dụng nợ công hiệu quả hơn, không vượt trần nợ công.
Tuy vậy, điều đó cũng cần phải gắn với việc làm rõ trách nhiệm của các cấp quản lý cũng như của chủ đầu tư, chủ DN. Nếu có những hành vi cố ý vi phạm pháp luật thì cần phải được xử lý nghiêm minh, truy thu được tài sản về cho Nhà nước.
Có như vậy người dân mới không phải è lưng gánh những món nợ triệu tỉ.