Dự án đạt giải khoa học kỹ thuật của học sinh trung học giống luận văn thạc sĩ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-3, Bộ GD&ĐT đã công bố trao giải cuộc thi nghiên cứu Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia học sinh trung học năm 2021-2022.

Theo đó, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến trên toàn quốc.

Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã công bố 12 giải Nhất, 15 giải Nhì, 17 giải Ba, 27 giải Tư và 23 giải Triển vọng ở tất cả các lĩnh vực đăng ký dự thi.

Theo đánh giá của Ban giám khảo, các dự án tham dự cuộc thi năm nay đều được đầu tư bài bản, nghiêm túc, có chất lượng cao, xứng đáng là những dự án tiêu biểu của các đơn vị dự thi tham gia cuộc thi.

Mặc dù vậy, sau khi kết quả cuộc thi được công bố đã có ý kiến cho rằng một số giải Nhất đang vượt quá tầm của học sinh bậc trung học. Đặc biệt, 2 trong số 12 dự án đạt giải Nhất bị nghi giống với các luận văn thạc sĩ đã được bảo vệ trước đó.

Cụ thể, Dự án “Tăng cường hoạt tính quang xúc tác xử lí ô nhiễm môi trường nước của g-C3N4 bằng hiệu ứng cộng hưởng plasmon bề mặt” của hai học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội - lĩnh vực Hoá học có dấu hiệu giống với luận văn Tổng hợp và đánh giá hoạt tính quang của vật liệu xúc tác trên cơ sở g - C3N4. Luận văn thạc sĩ do Đoàn Duy Hùng thực hiện và bảo vệ tại ĐH Quốc gia Hà Nội vào năm 2018.

Ngoài ra, Dự án “Phân lập, đánh giá khả năng nhắm đích tế bào gốc ung thư dạ dày của phân đoạn chứa hợp chất saponin và bào chế sản phẩm từ cây lá khôi (Ardisia gigantifolia)” hai học sinh trường THPT Chuyên Thái Nguyên, Thái Nguyên - lĩnh vực lĩnh vực Sinh học tế bào và phân tử cũng được cho là giống luận văn thạc sĩ sinh học ứng dụng "Nghiên cứu tác động của dịch chiết lá khôi (Ardisia gigantifolia Stapf.) lên sự biểu hiện của các gene kiểm soát chu kỳ tế bào của tế bào gốc ung thư dạ dày" của Nguyễn Thị Hải Hồng do TS Lê Thị Thanh Hương ở Đại học Thái Nguyên hướng dẫn năm 2019.

Hai dự án đạt giải Nhất được cho là giống với các luận văn bảo vệ thạc sĩ trước đó. Ảnh từ màn hình

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Cuộc thi KHKT cấp quốc gia học sinh trung học do Bộ GD&ĐT tổ chức vướng những lùm xùm của dư luận.

Trước đó, vào năm 2021, sau khi công bố giải, đã có ý kiến phản ánh về việc một trong 12 dự án đạt giải nhất có sự trùng lặp với một dự án từng tham gia cuộc thi này năm 2019.

Cụ thể, giải Nhất thuộc về Dự án “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” của học sinh Trường THPT Hoa Lư A, tỉnh Ninh Bình bị tố sao chép “Dự án giường I.o.T (năm 2019) giúp người chăm sóc bệnh nhân vận hành từ xa” cũng của chính học sinh Trường THPT Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình dự thi. Cả hai dự án đều do một giáo viên hướng dẫn.

Ngày 2-4, trả lời PLO về vấn đề chất lượng của Cuộc thi KHKT cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2021-2022, Bộ GD&ĐT khẳng định trong quy trình chấm thi, Ban giám khảo từng nhóm lĩnh vực đã rà soát tính trùng lặp của các dự án tham gia dự thi, với các công bố hiện có và chưa phát hiện có sự trùng lặp.

“Khi có phản ánh của Báo Pháp Luật TP. HCM, Bộ GDĐT đã tổ chức cho rà soát lại lần 2 và kết quả của Hội đồng giám khảo nhóm lĩnh vực của 2 dự án nêu trên kết luận không có sự trùng lặp với luận văn được nêu tên”- Bộ GD&ĐT trả lời.

Năm học 2021-2022 là năm thứ 10 Bộ GD&ĐT tổ chức Cuộc thi KHKT. Tham gia cuộc thi có 71 đơn vị gồm 60 Sở GDĐT và 11 Trường THPT trực thuộc Bộ GD&ĐT, thuộc Trường Đại học với 144 dự án, 273 học sinh. Trong đó, cấp THPT có 129 dự án với 244 học sinh, cấp THCS 15 dự án với 29 học sinh.

Các dự án nghiên cứu tham gia trên 22 lĩnh vực bao gồm: Khoa học động vật, Khoa học xã hội và hành vi, Hóa Sinh, Y Sinh và khoa học Sức khỏe, Kỹ thuật Y Sinh, Sinh học tế bào và phân tử, Hóa học, Sinh học trên máy tính và Sinh -Tin, Khoa học Trái đất và Môi trường, Hệ thống nhúng, Năng lượng: Hóa học, Năng lượng: Vật lí, Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật môi trường, Khoa học vật liệu, Toán học, Vi Sinh, Vật lí và Thiên văn, Khoa học Thực vật, Rô bốt và máy thông minh, Phần mềm hệ thống, Y học chuyển dịch.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm