“Tại Hà Nội, ngoài khu vực hồ Hoàn Kiếm thì dịp lễ hội chùa Hương từ khu vực suối Yến đến động Hương Tích sẽ được phủ sóng Wi-Fi miễn phí. Hiện Sở Thông tin và Truyền thông đang hoàn tất việc lắp đặt cáp quang, dự kiến gần tết Nguyên đán Bính Thân 2016 sẽ hoàn thiện để có thể phát Wi-Fi miễn phí phục vụ bà con du khách” - ông Hoạt nói.
Họp báo lễ hội chùa Hương.
Theo ban tổ chức, lễ hội du lịch chùa Hương năm 2016 sẽ khai mạc vào ngày 13-2 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng năm Bính Thân) và kéo dài trong ba tháng đến hết tháng 3 âm lịch. Để chuẩn bị cho công tác lễ hội, ban tổ chức đã quy hoạch 318 gian hàng phục vụ ăn uống, giải khát và các dịch vụ khác để phục vụ du khách. “Tất cả chủ gian hàng đều được tập huấn, cấp chứng chỉ, chứng nhận về đảm bảo VSATTP do Trung tâm Y tế của huyện cấp. Sở Y tế TP Hà Nội cũng như ban tổ chức lễ hội sẽ có những đoàn kiểm tra VSATTP đột xuất các gian hàng trên trong dịp lễ hội diễn ra” - ông Hoạt cho hay.
Ngoài ra, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường từ khu vực bến xe, suối Yến đến đường vào các động của thắng cảnh Hương Sơn đều đảm bảo, có người túc trực thường xuyên thu dọn. Theo ban tổ chức lễ hội, trung bình các kỳ lễ hội trước mỗi ngày chùa Hương đón từ 60.000-70.000 du khách, lượng rác thải ra trung bình mỗi ngày trên chục tấn rác. Vì vậy từ hai năm nay, ban tổ chức đã thay thế việc sử dụng các thùng rác kín bằng các sọt tre đan để thuận tiện cho việc vận chuyển thu gom rác cuối ngày. Rác sẽ được gom lại, đốt bằng lò xử lý rác ngay trong ngày.
Về hiện tượng xe máy, taxi "dù" đeo bám, chèo kéo du khách từ nội thành Hà Nội và thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức) về đến suối Yến, ông Hoạt cho hay những năm gần đây do có sự vào cuộc của Công an TP Hà Nội nên hiện tượng trên đã giảm nhiều. Hiện Công anTP Hà Nội đã có công văn gửi các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam… và giao công an các quận, huyện nắm bắt để xử lý các trường hợp chèo kéo du khách từ xa về lễ hội. Đặc biệt, lần đầu tiên lễ hội chùa Hương sẽ có tuyến xe bus trợ giá chạy từ nội thành về chùa Hương để phục vụ du khách, hiện việc đấu thầu tuyến xe này đang được giao cho Sở GTVT TP Hà Nội thực hiện, lịch trình tuyến xe sẽ được công bố trước tết Nguyên đán Bính Thân.
Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng chuẩn bị gần 4.400 chiếc đò các loại (sáu chỗ, 12 chỗ, 15 chỗ, 20 chỗ) cùng gần 8.800 người lái đò để phụ vụ du khách. Tất cả lái đò đều được tập huấn về an toàn giao thông đường thủy, thái độ ứng xử với du khách. Toàn bộ số đò trên được sơn màu xanh lá cây, được đánh số thứ tự, bố trí bến đậu đón khách và điểm bán vé đi đò với giá 35.000 đồng/người/lượt.
“Kế hoạch tổ chức lễ hội chùa Hương đã được hoàn tất và triển khai từ trước tết Nguyên đán với mong muốn phục vụ du khách thập phương về với Hương Sơn một cách tốt nhất. Chúng tôi cũng mong muốn du khách đến với lễ hội là đến với vùng tâm linh, vì thế cần có hành xử đẹp để lễ hội thực sự để lại những ấn tượng tốt đẹp ngày đầu năm” - ông Hoạt nói.
Công bố đường dây nóng xử hiện tượng "chặt chém", chèo kéo du khách Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, kiêm Trưởng ban Tổ chức lễ hội chùa Hương 2016, cho hay ban tổ chức cũng có quy chế nghiêm cấm hiện tượng "chặt chém", chèo kéo du khách, đổi tiền lẻ, cúng bái mê tín dị đoan, bán thịt thú rừng, lừa đảo, ăn xin, trộm cắp… Để cảnh báo du khách về những hiện tượng trên, chúng tôi đã thực hiện cắm 30 biển cảnh báo, dặn dò du khách trên đường từ suối Yến vào các động của thắng cảnh Hương Sơn. Dưới các biển báo trên để hai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của du khách 24/24 giờ gồm: 0912588905 (Trưởng ban Tổ chức lễ hội chùa Hương Nguyễn Văn Hậu trực tiếp xử lý) và 0913327430 (Phó ban Tổ chức lễ hội chùa Hương Nguyễn Chí Thanh trực tiếp xử lý). Cùng với đường đây nóng, ban tổ chức lễ hội cũng bố trí hơn 10 chốt trực để đảm bảo an ninh trật tự, tiếp nhận, xử lý những phản ánh của du khách trong suốt mùa lễ hội. |