Tiềm năng lớn
Nước ta có hệ thống làng nghề khá phong phú và nhiều làng nghề đã trở thành sản phẩm du lịch, là địa chỉ du lịch không thể thiếu của các du khách nước ngoài như:
Làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), gốm Phù Lãng, tranh Đông Hồ (Bắc Ninh); làng khảm trai Phú Mỹ (Hà Tây) làng chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình); làng gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ (Bắc Ninh); làng giấy dó Yên Thái (Hà Nội) …
Làng tranh Đông Hồ một thời là niềm tự hào của người dân Việt, giờ đã trở thành làng vàng mã (Ảnh: P. Quyên). |
Cũng còn có thể kể hàng trăm làng trái cây dọc theo các triền sông Tiền sông Hậu mà người ta quen gọi là du lịch miệt vườn ở Nam bộ với Mười tám thôn Vườn Trầu từng nổi tiếng suốt thế kỷ 20. Những địa điểm này hàng năm thu hút hàng triệu lao động, đem lại kim ngạch xuất khẩu trên 600 triệu USD.
Điểm chung của các làng nghề là thường nằm trên trục giao thông, đường bộ lẫn đường sông. Những làng này được hình thành từ xưa, giúp các làng nghề có thể dễ dàng luân chuyển hàng hoá đi các nơi tiêu thụ, đây cũng là điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các tuyến du lịch.
Ngoài những lợi thế như cảnh quan thiên nhiên, vị trí địa lý, nét văn hoá đặc sắc, các làng nghề truyền thống còn có sức hút đặc biệt bởi mỗi làng lại gắn với một vùng văn hoá hay một hệ thống di tích.
Bên cạnh những bức tranh thôn quê dân dã, thanh bình, khách tham quan còn được tận mắt theo dõi quá trình sản xuất ra các sản phẩm thậm chí là tham gia vào một khâu sản xuất nào đó, chính điều này tạo nên sức hấp dẫn của du lịch làng nghề. Chị Sylive Briset - phóng viên tạp chí Le Courie’ (Pháp) thường xuyên sang Việt Nam cho biết: “Mỗi lần sang Việt Nam, tôi lại đến thăm các làng nghề vừa để tác nghiệp, vừa để tìm hiểu kỹ hơn cuộc sống của người dân. Tôi thích khám phá sâu về hệ thống các di tích lịch sử gắn với dân làng nghề như đền, chùa, miếu…”
Cần bứt phá mạnh hơn
Đáng tiếc là hiện nay, trước xu hướng phát triển kinh tế, nhiều làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một, kém phát triển. Cùng với điều đó, tiềm năng du lịch làng nghề của chúng ta chưa được khai thác hiệu quả.
Du khách đến với Bát Tràng hẳn còn ngại ngần con đường đê từ cầu Chương Dương đến làng gốm này: bé tẹo và đầy ổ trâu, ổ gà lẫn bụi bặm. Hay làng tranh Đông Hồ một thời là niềm tự hào của người dân Việt bây giờ đã dần trở thành quá khứ khi hầu hết người dân đã chuyển sang làm vàng mã. Làng giấy Dó ở ngay quận Tây Hồ bây giờ còn được mấy người Hà Nội biết đến?
Mô hình dịch vụ “xe trâu” tại làng Gốm Bát Tràng thu hút khách du lịch (Ảnh: C. Hà). |
Lợi ích của việc phát triển làng nghề không chỉ là ở kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương mà còn bảo tồn được giá trị văn hoá ngàn đời của ông cha ta. Nhiều tỉnh như Hà Tây, Hoà Bình, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng… đang triển khai mạnh mẽ loại hình du lịch này.
Trong đó Bến Tre là một trong những địa phương tiên phong. Với khoảng 500km sông rạch chằng chịt, địa thế ấy đã tạo cho Bến Tre có những vườn cây trái đặc sản, sân chim, nhà cổ…Tỉnh này đã có chính sách khuyến khích người dân tham gia làm du lịch, gắn du lịch với xoá đói giảm nghèo nhờ những chính sách hỗ trợ hợp lý và sự năng động của người dân.
Hiện Bến Tre đã có 29 điểm du lịch vườn, dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều điểm do người dân quản lý không chỉ khai thác giá trị kinh tế vườn mà còn giới thiệu làng nghề truyền thống và văn hoá dân gian với du khách.
Du khách đến với các vườn trái cây nơi đây sẽ được thưởng thức hoa trái miệt vườn và món ăn đặc sản từ mật ong cùng với các chương trình đờn ca tài tử. Trong mỗi tour du lịch vườn, khách có thể ngồi trên chiếc xuồng ba lá, len lỏi giữa những dòng kênh rạch rợp bóng dừa, rồi ghé thăm các khu vườn bên đôi bờ kênh, thăm quy trình sản xuất kẹo dừa, nếu thích, du khách cũng có thể tham gia vào những công đoạn sản xuất kẹo.
Là tỉnh tập trung nhiều làng nghề nhất cả nước, Hà Tây lại có chiêu hút khách tham quan bằng cách tổ chức lễ hội du lịch làng nghề truyền thống thường niên nhằm quảng bá những sản phẩm của các làng nghề trong tỉnh. Sở Du lịch tỉnh cũng thường tổ chức các tour đi đến các làng nghề đi và về trong ngày, mỗi tour như vậy không quá 300 ngàn đồng/ người.
Các tỉnh như Bắc Ninh, Huế, Đà Nẵng tập trung vào việc xây dựng các trang web giới thiệu làng nghề tạo ra cơ hội quảng bá thương hiệu sản phẩm và phát triển loại hình du lịch làng nghề. Độc đáo hơn cả là mô hình dịch vụ “xe trâu” tại làng Gốm Bát Tràng (Hà Nội). Tới đây, du khách có cơ hội ngồi lên chiếc xe trâu thong dong ghé thăm các lò gốm trong làng với giá chỉ 10.000đ/cuốc.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Hai tự hào về hình thức tiếp thị độc nhất vô nhị này: “Nhờ có hình thức du lịch kết hợp này mà lượng khách du lịch đến thăm làng nghề chúng tôi đã tăng gấp 3, 4 lần so với trước”. Nhưng những hoạt động ấy cũng chỉ là biện pháp “gỡ” tạm thời.
Nhà nước, đặc biệt là các Sở Du lịch địa phương nên chú trọng đầu tư để du lịch làng nghề có bước phát triển bền vững. Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi nhận được tin vui cho làng gốm Bát Tràng: Sở Du lịch Hà Nội đang bắt tay vào xây dựng một cầu cảng đến làng để giao thông đường thủy được thuận tiện. Mong sao sẽ có nhiều làng nghề có được sự đầu tư về cơ sở hạ tầng như Bát Tràng.
Làng nghề truyền thống - tài nguyên du lịch nhân văn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng TS Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch nhận định: “Làng nghề truyền thống được xem như một dạng tài nguyên du lịch nhân văn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi các sản phẩm du lịch làng nghề luôn bao hàm trong nó cả những giá trị vật thể và phi vật thể. Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng để khai thác phát triển du lịch làng nghề, nếu được đầu tư đúng mức, khai thác hợp lý, đây sẽ là phương tiện giao lưu, quảng bá đất nước, con người mạnh mẽ và sâu rộng nhất. Khi văn hoá được giao thoa một cách tích cực thì giới hạn về không gian, địa lý sẽ không còn ý nghĩa, lợi ích kinh tế, văn hoá và vị thế cuả địa phương, quốc gia sẽ tăng lên gấp bội”. |
CẨM HÀ - (Theo Tổ quốc)