“Quá bậy bạ, hung tàn do lái xe khi có uống rượu, quẹo đột ngột, gây va chạm giao thông, không giúp đỡ hai học sinh nữ bị ngã lại còn chửi bới, đá, đánh dã man một em 15 tuổi…”. “Quá tàn nhẫn khi cũng sau va quẹt giao thông, một nữ sinh lớp 7 đã bị người có liên quan đánh, đạp té xuống hố sâu ven đường…”.
Chưa thể nguôi những bức xúc, phẫn nộ dành cho Lê Tấn Thành (29 tuổi, ngụ phường Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), người phạm khá nhiều lỗi không tưởng tượng nổi đối với trẻ gặp nạn thì dư luận lại thêm sự nổi giận về một trường hợp vi phạm tương tự xảy ra ở Tây Ninh vừa được báo chí ghi nhận.
Em V. phải khâu 10 mũi trên đầu sau khi bị nam thanh niên đánh dã man. Ảnh: LÊ ÁNH
Trong vụ việc ở Thủ Dầu Một, mọi người rất tán thành việc kịp thời khởi tố của cơ quan điều tra Công an TP Thủ Dầu Một, Bình Dương (vào ngày 10-12), chỉ sau ba ngày xảy ra vụ việc.
Tuy vậy, khi biết Thành có một tiền án tám năm tù về tội cố ý gây thương tích (tỉ lệ tổn thương đến 33%) và giờ chỉ bị khởi tố tội cố ý gây thương tích (hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác) theo khoản 1 Điều 134 BLHS với mức phạt tối đa là ba năm tù thì lại có ít nhiều lo lắng. Có nhiều người sau khi xem clip ghi lại tường tận tội ác đang rất muốn tới đây các tòa cần phải bỏ tù Thành (hay trường hợp vi phạm mới ở Tây Ninh) nhiều năm hơn nữa để ngừa được nhiều mối nguy hại cho cộng đồng.
Phải nói ngay những cảm xúc đó không sai, chỉ có điều là pháp luật có những nguyên tắc xử lý mà các cơ quan tố tụng bắt buộc phải tuân thủ.
Theo điều luật nêu trên và các thông tin ban đầu về tình tiết vụ án ở Thủ Dầu Một, khi người bị hại được giám định là bị tổn thương cơ thể 1% (dưới mức quy định 11%) thì bị can đã bị khởi tố ở khoản 1 do thuộc hai trường hợp rất rõ ràng là: Đối với người dưới 16 tuổi (điểm e); có tính chất côn đồ (điểm m).
Cần chú ý là khi quyết định hình phạt, tòa án sẽ căn cứ vào quy định điều luật (khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm). Đồng thời, tòa án cũng cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Trong đó, các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng đã được BLHS quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng. Ngoài ra, khi quyết định hình phạt, tòa án có thể coi tình tiết khác (ngoài các tình tiết được BLHS liệt kê) là tình tiết giảm nhẹ nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
Đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội của Thành, phải đợi kết quả điều tra mới rõ chi tiết nhưng trước mắt có thể thấy Thành không có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Nếu Thành thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải thì có thể Thành được ghi nhận là có ít nhất một tình tiết giảm nhẹ này.
Về tình tiết tăng nặng, trước mắt có thể thấy Thành có ít nhất một tình tiết tăng nặng là tái phạm (điểm h) kèm với điều kiện là chưa được xóa án tích. Bởi lẽ trong BLHS thì tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
Như vậy, tuy Thành phạm nhiều lỗi như nhận xét của nhiều người (uống rượu khi lái xe, chuyển hướng không bật tín hiệu, chửi rủa, đe dọa em học sinh và người can ngăn…) nhưng khi các lỗi đó không thuộc trường hợp bị xử lý hình sự và Thành chỉ bị truy cứu một tội cố ý gây thương tích thì mức phạt tù của Thành cần phải theo các quy định đã nêu ở trên. Số năm tù sẽ đợi các tòa có thẩm quyền quyết định nhưng chắc chắn không có án treo và nặng nhất cũng chỉ tới ba năm tù.
Đây cũng sẽ là cách giải quyết nghiêm minh của các cơ quan tố tụng ở Tây Ninh khi có việc khởi tố vụ án đối với người đã gây thương tích cho em học sinh lớp 7 để tăng tính răn đe.
Có thể con số 3 nói trên chưa làm hài lòng nhiều người nhưng phải thấy giá đắt mà những bị can như Thành phải nhận lãnh không chỉ là thời gian ngồi tù, mà chính là sự lên án, đòi hỏi xử kịch khung của số đông để mong không còn những tội ác đồng dạng tái diễn.