Dự thảo Luật Điện ảnh: Nới lỏng kiểm duyệt với C21

Sáng 14-12, tại TP.HCM, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức hội nghị - hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi). Hội nghị với khoảng 50 khách mời là các đơn vị Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phía Nam, các nhà sản xuất, đạo diễn, các đơn vị phát hành…

Nhà sản xuất đồng tình với phân loại C21

Luật Điện ảnh (sửa đổi) dự kiến có rất nhiều thay đổi. Tại buổi hội thảo ở TP.HCM, nhiều vấn đề được nêu ra trong đó nổi bật là việc phân loại phim theo độ tuổi đang có những đề nghị mới. Cụ thể, ngoài các phân loại phim theo độ tuổi như trước đây gồm: P (mọi đối tượng khán giả), C13 (không phổ biến cho khán giả dưới 13 tuổi), C16 (không phổ biến cho khán giả dưới 16 tuổi) và C18 (không phổ biến cho khán giả dưới 18 tuổi) thì bộ đã thêm hai loại khác gồm: PG (cho phép trẻ em dưới 13 tuổi xem phim C13 với cha, mẹ hoặc người giám hộ) và C21 (không phổ biến cho khán giả dưới 21 tuổi).

Cảnh trong phim Chàng dâng cá, nàng ăn hoa của đạo diễn Phan Đăng Di do HBO châu Á sản xuất. Phim này khi phát hành tại Singapore đã được dán nhãn C21. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp

Với phân loại C21, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, đã giải thích: “Đây là những bộ phim tăng cấp độ hơn C18. Ở C21 sẽ là những phim như C18 nhưng cấp độ cảnh bạo lực, kinh dị, cảnh nhạy cảm… cao hơn. Đối tượng xem phim này trưởng thành hơn và có thể đáp ứng với những cấp độ cao hơn”.

Việc thêm phân loại độ tuổi chỉ là một trong những điểm dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đề cập. Nhiều vấn đề nổi cộm khác của Luật Điện ảnh (sửa đổi) vẫn cần tiếp tục góp ý. Tuy nhiên, đây có thể xem là một dự thảo “nhiều tiến bộ, đổi mới, mạch lạc và những hội nhập nhất định so với thế giới” như nhận định của đạo diễn Phan Đăng Di. 

Ông Nguyễn Thế Phong, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất phim Hoan Khuê (HK Film), cho rằng: “Thực tế phải quy định rõ C21 khác gì C18, vì đối chiếu luật các lĩnh vực khác thì chỉ quy định là người trên 18 tuổi chứ không có ranh giới 21 tuổi thì trách nhiệm khác nhau ra sao. Chúng ta phải làm rõ để tránh nhầm lẫn là C18 cũ đổi tên. Chúng tôi rất đồng tình thêm C21 bởi mức phân loại này sẽ cực kỳ thoáng với các nhà làm phim”.

Trao đổi thêm với Pháp Luật TP.HCM, nhà sản xuất phim Trương Ngọc Ánh cho rằng chị rất đồng tình với việc thêm phân loại C21 bởi “đây là một bước tiến mở rộng hơn cho các nhà làm phim, cho thị trường điện ảnh” - nhà sản xuất phim Trương Ngọc Ánh nhấn mạnh.

Nhà phát hành chống C21

Với kinh nghiệm tham dự rất nhiều liên hoan phim quốc tế, phát hành nhiều phim ra nước ngoài cũng như nhiều va chạm với vấn đề kiểm duyệt phim, đạo diễn Phan Đăng Di cũng ủng hộ phân loại phim C21. “Với nhiều quốc gia thuộc hàng khó trong việc kiểm duyệt phim ở châu Âu hay Singapore thì họ có mốc C21. Họ dán C21 cho hệ thống rạp lẫn hệ thống xem phim trả tiền qua tivi.

Gần nhất, bộ phim Chàng dâng cá, nàng ăn hoa của tôi (HBO châu Á sản xuất - PV) khi chiếu trên HBO cũng đã dán nhãn C21. Có quốc gia không dán nhãn thì họ làm mờ một số cảnh chiếu vào khung giờ muộn để tránh trẻ em xem. Tuy nhiên, tại các quốc gia có phân loại độ tuổi thì họ không bắt cắt, sửa phim. Và phim C21 tức là những phim mang tính thể nghiệm, gây tranh cãi, bạo lực, tình dục… đều cao” - đạo diễn Phan Đăng Di chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM.

Ngược lại với các nhà làm phim, hầu hết các nhà phát hành đều không đồng tình với việc thêm C21. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc phát hành CJ CGV Việt Nam, nêu ý kiến: “Thực tế, tiêu chí phân loại này không phù hợp với pháp luật hiện hành của Việt Nam và trình độ nhận thức của người Việt Nam. Cụ thể, tại Việt Nam, người 18 tuổi được pháp luật xem là thành niên. Do đó, để phù hợp với thực tế doanh nghiệp, chúng tôi đề xuất bỏ tiêu chí phân loại C21 như dự thảo”.

Còn nhiều vấn đề nóng cần thảo luận

Một số vấn đề về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) Bộ VH-TT&DL vẫn tiếp tục nhận góp ý: Giao cho các cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh - truyền hình chịu trách nhiệm nội dung phim nước ngoài phổ biến trên kênh; các phương án tiền kiểm hay hậu kiểm với việc phổ biến phim trên không gian mạng; thẩm quyền cấp phép, phổ biến phim giao về cho các địa phương; quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh…

“Ban soạn thảo sẽ ghi nhận tất cả ý kiến đóng góp để thảo luận từng nội dung, để đưa vào dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ công bố trên trang mạng của Cục Điện ảnh và Bộ VH-TT&DL. Chúng tôi tiếp tục lấy ý kiến và dự kiến sẽ trình bản dự thảo cuối cùng lên Chính phủ vào tháng 4-2021” - ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, nhấn mạnh. 

Ông Lee Jin Sung, Tổng giám đốc Lotte Entertainment Việt Nam, góp ý: “Rất khó phân biệt giữa C21 và C18, nên có thể lấy những quy định của C21 áp dụng cho C18 hiện nay và xóa bỏ C21”. Tương tự như thế, đại diện nhà phát hành Galaxy cho rằng không cần thêm phân loại C21 mà chỉ cần mở rộng biên độ thoáng hơn trong kiểm duyệt cho C18.

Hậu COVID-19 và cơ hội cho điện ảnh Việt
Hậu COVID-19 và cơ hội cho điện ảnh Việt
(PL)- Lần đầu tiên, Cục Điện ảnh cùng ngồi lại với bốn ông lớn trong ngành phát hành phim tại Việt Nam để chung tay thúc đẩy thị trường phim Việt sau đại dịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm