Đua luyện thi đánh giá năng lực

Là năm thứ ba tổ chức, kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay có sức hút rất lớn với thí sinh. Bởi kết quả này sẽ là căn cứ xét tuyển chính của các trường ĐH thành viên, chiếm từ 40% đến 70% chỉ tiêu. Hơn 50 trường ĐH, CĐ khác cũng sử dụng kết quả này để xét tuyển. Điều đó cũng khiến các em không khỏi lo lắng khi chuẩn bị chờ ngày thi.

Sốt sắng luyện đề

Ngay từ giữa tháng 4, khi Bộ GD&ĐT chốt phương án thi tốt nghiệp THPT năm nay, các trường ĐH, CĐ đồng loạt điều chỉnh đề án tuyển sinh theo hướng giảm chỉ tiêu xét kết quả từ kỳ thi này, tăng xét học bạ và điểm thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM. Nhiều trường cũng lần đầu quyết định sử dụng kết quả thi ĐGNL này để tuyển sinh.

Từ thời điểm đó, số lượng thí sinh đăng ký thi ĐGNL bắt đầu tăng vọt, mỗi ngày có thêm hàng ngàn thí sinh đăng ký, thành 46.000 em. Và đến nay, sau một tháng, số thí sinh đăng ký đã tăng lên hơn 60.000 em (đã xác nhận dự thi), tức tăng thêm 14.000. Theo kế hoạch, thời gian đăng ký còn kéo dài đến ngày 15-6 nên số thí sinh dự thi sẽ còn tiếp tục tăng. Đây sẽ trở thành nơi có số thí sinh dự thi kỳ thi riêng cao nhất cả nước và cũng cao nhất trong ba năm qua.

Cùng với sức hút của kỳ thi này, trên mạng xã hội bắt đầu rộ lên nhiều trang web, Facebook, hội, nhóm ôn luyện thi ĐGNL. Nhiều bộ đề trắc nghiệm được bán công khai với giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Các hội, nhóm ôn luyện thi được mở ra hàng loạt, thu hút hàng chục ngàn thành viên tham gia.

Chia sẻ với PV, Nguyễn Bích Ngân (đang học lớp 12 tại một trường ở quận Bình Thạnh) cho biết: “Lớp em hầu hết các bạn đều đăng ký thi ĐGNL. Ban đầu em chỉ đăng ký thi để thử sức thêm cơ hội. Vì đề thi trắc nghiệm và nội dung ở nhiều lĩnh vực nên em không áp lực lắm. Thế nhưng khi thấy các trường ĐH tăng chỉ tiêu và dùng kết quả này, em mới thấy hồi hộp”.

Ngân cho hay nhóm em mua 10 bộ đề thi trên mạng với giá gần 300.000 đồng để ôn theo. Ngoài ra, em sưu tầm các đề mẫu, luyện đề trắc nghiệm thi THPT và đề của thầy cô soạn để nắm thêm.

Qua Facebook, Nguyễn Thành Đạt (Bình Dương) cũng cho biết lớp em có khoảng 1/3 bạn đăng ký thi, do thầy cô khuyến khích.

“Kiến thức rộng quá nên em cũng hơi lo. Hầu như ngày nào em và các bạn cũng tự ôn qua mạng. Em còn tham gia các clip hướng dẫn giải đề của thầy cô và ôn các loại đề trắc nghiệm, vừa để thi tốt nghiệp vừa thi ĐGNL luôn” - Đạt cho hay.

Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2019. Ảnh: PHẠM ANH

Không khuyến khích luyện thi, học tủ

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết năm nay số thí sinh đăng ký thi ngày tăng cao và tập trung chủ yếu vẫn là tại điểm thi TP.HCM với khoảng 43.000 thí sinh, Đà Nẵng có 6.000 thí sinh, Nha Trang có 3.800 thí sinh, còn lại là ở An Giang và Bến Tre, mỗi nơi khoảng 2.800 thí sinh.

Tổng số trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả này để xét tuyển cũng tăng lên 61 trường.

Về đề thi năm nay, TS Chính cho hay cấu trúc đề thi, độ khó và tính phân loại của đề thi năm nay giữ ổn định so với đề thi các năm trước. Đa số câu hỏi của đề dưới dạng cung cấp kiến thức, cũng sẽ có những câu mở rộng nhưng luôn là những kiến thức cơ bản mà thí sinh đã từng học qua.

Cứ ôn tốt chương trình THPT thì sẽ làm được

Trong đề thi năm nay chỉ có khoảng 6%-7% câu hỏi về hiểu và nhớ kiến thức. Những câu này cũng sẽ không đề cập đến những nội dung Bộ GD&ĐT đã giảm tải vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên học sinh yên tâm. Em nào học tốt các môn học của chương trình THPT đều làm được.

TS NGUYỄN QUỐC CHÍNH 

Theo TS Chính, kỳ thi năm nay sẽ cải tiến hơn về mọi mặt để đảm bảo các yêu cầu về tính nghiêm túc, khách quan, công bằng và đánh giá được năng lực người học. Như ngân hàng đề thi đa dạng, cán bộ ra đề phải chuyên nghiệp, phối hợp chặt chẽ với các trường ĐH khác để tổ chức thi, tăng cường ứng dụng công nghệ giúp thí sinh thuận tiện hơn...

Về việc ôn thi, TS Chính cũng lưu ý, ĐH Quốc gia TP.HCM không tổ chức luyện thi cũng như rao bán đề ôn tập. ĐH chỉ công bố đề thi mẫu hằng năm để thí sinh tham khảo, ngay cả đề thi chính thức cũng không công bố và thí sinh làm bài xong không được mang đề ra ngoài. Do đó, việc trên mạng tổ chức rao bán đề nếu có gắn mác của ĐH Quốc gia TP.HCM là giả mạo, vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, theo TS Chính, cũng có nhiều thầy cô, các đơn vị tự biên soạn các bộ đề theo cấu trúc đề mẫu của ĐH Quốc gia công bố để tổ chức ôn tập, hướng dẫn cho thí sinh hoặc rao bán là bình thường, có cầu sẽ có cung, thí sinh nên tìm hiểu kỹ và lựa chọn.

“Thí sinh muốn ôn thi để nâng cao kỹ năng, kiến thức, suy luận, logic... cũng là điều tốt. Riêng ĐH Quốc gia TP.HCM không khuyến khích việc luyện thi. Thí sinh nên tiếp cận việc học một cách thật sự, toàn diện và hệ thống, tránh học tủ, không chỉ tiếng Việt mà cả tiếng Anh vì chúng sẽ giúp ích cho các em khi lên học ĐH, chứ không phải học để nhớ và nắm kỹ thuật chỉ để làm bài thi” - TS Chính nhấn mạnh.

Lịch thi và thang điểm

Theo kế hoạch của ĐH Quốc gia TP.HCM, kỳ thi sẽ được tổ chức một đợt tại năm địa phương: TP.HCM, Bến Tre, An Giang, Nha Trang, Đà Nẵng.

Ngày thi dự kiến tổ chức vào giữa tháng 8, tức sau ngày thi tốt nghiệp THPT khoảng một tuần. Ngày thi sẽ được công bố khi Bộ GD&ĐT ban hành kế hoạch thi THPT chính thức.

Bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm và làm trong 150 phút. Nội dung bài thi được tích hợp đầy đủ cả về mặt kiến thức và tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản.

Bài thi hướng đến ĐGNL cơ bản để học ĐH của thí sinh gồm: Sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh (40 điểm); suy luận logic và xử lý số liệu (30 điểm); giải quyết vấn đề liên quan lĩnh vực hóa, lý, sinh, địa, lịch sử, chính trị và xã hội (50 điểm). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm