Theo phương án tổ chức thi của Bộ GD&ĐT, thí sinh (TS) ở TP Tam Kỳ và các huyện Tiên Phước, Phú Ninh, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Đông Giang, Hiệp Đức, Nam Giang, Tây Giang, Nông Sơn, Núi Thành là các địa phương không thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 sẽ được tổ chức thi vào đợt 1.
Các địa phương còn lại gồm huyện Thăng Bình, Quế Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn và TP Hội An là các địa phương sẽ tổ chức thi THPT đợt 2 vào thời điểm thích hợp. Ngoài ra, các TS thuộc diện F0, F1, F2 ở các địa phương tổ chức thi đợt 1 sẽ được chuyển sang dự thi vào đợt 2.
Quyết định “cân não” của Quảng Nam
Đến sáng 7-8, hầu hết các địa phương tại Quảng Nam tổ chức thi THPT quốc gia đợt 1 đều hoàn tất khâu chuẩn bị, sẵn sàng đón TS dự thi.
Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam, cho biết để chuẩn bị cho kỳ thi thành công, an toàn, sở đã tổ chức họp trực tuyến với tất cả điểm thi (kể cả điểm thi ở sáu huyện đang cách ly xã hội). Qua đó, các điểm thi báo cáo công tác triển khai phòng, chống dịch COVID-19, công tác chuyên môn cho kỳ thi cơ bản đã đầy đủ, đảm bảo.
“Đặc biệt là những huyện miền núi, lãnh đạo các huyện quan tâm cùng với Sở GD&ĐT lo chuẩn bị xe chuyên dụng dùng để chở, thu bài thi. Đồng thời, các huyện tạo điều kiện hỗ trợ cho TS, thầy cô, lực lượng làm nhiệm vụ chỗ ăn ở, đi lại tươm tất, chu đáo” - ông Quốc nói.
Theo ông Quốc, Quảng Nam có sáu địa phương đang thực hiện cách ly xã hội. Do đó, công tác điều cán bộ làm nhiệm vụ có sự thay đổi so với dự kiến. “Sở GD&ĐT đã điều giáo viên coi thi trong nội hạt hoặc giữa các huyện lân cận, tuyệt đối không điều giáo viên từ các địa phương đang thực hiện cách ly xã hội để kỳ thi đảm bảo tính khách quan, trung thực và an toàn” - ông Quốc chia sẻ.
Đáng chú ý, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Nam (đóng tại TP Hội An) - điểm thi có 158 TS của bảy huyện miền núi. Trong khi TP Hội An là một trong sáu địa phương của Quảng Nam đang thực hiện cách ly xã hội nên việc tổ chức điểm thi này cùng với TS cả nước là bất khả thi.
Điểm riêng của học sinh ở Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Nam là các em sinh hoạt ngay tại trường. Từ đầu tháng 5, tất cả 158 em đã tập trung ôn thi tại trường, việc giữ các em quá lâu sẽ dễ ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe. Do đó, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Nam xin Bộ GD&ĐT chuyển các em đến huyện Nam Giang, dự thi cùng đợt với TS cả nước.
Phun hóa chất khử khuẩn tại Trường THPT Nguyễn Dục, Quảng Nam. Ảnh: THANH NHẬT
Lý giải cho quyết định có phần đặc biệt, ông Quốc cho hay ngoài lý do sức khỏe, kiến thức của các em cũng rất đáng quan tâm. Nếu cho các em về nhà trong thời điểm này thì “không biết bao giờ các em mới được thi”. Bởi hoàn cảnh của các TS là con em đồng bào dân tộc thiểu số hầu hết đều khó khăn, khi về nhà các em sẽ lên rẫy phụ giúp gia đình, ảnh hưởng đến kiến thức dẫn đến thiếu tự tin, các em sẽ không đến dự kỳ thi vào đợt 2.
“Tôi xem đây là một “trận đánh” thật sự, phân tích cái nào được, cái nào không. Chúng tôi đã họp lãnh đạo và các phòng, ban chuyên môn, tôi hiểu vấn đề các em ở một trạng thái sức khỏe tốt, không tương tác với người bên ngoài. Tôi cũng hiểu trách nhiệm thuộc về mình, nếu có sai sót thì tôi là người đầu tiên chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ” - ông Quốc khẳng định.
Bốn phòng thi đặc biệt tại điểm thi
Sáng 7-8, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, Trưởng Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT TP.HCM năm 2020, đã dẫn đầu đoàn đi kiểm tra tại bốn điểm thi trên địa bàn gồm Trường THPT Trần Văn Giàu (quận Bình Thạnh), Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4), Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) và Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1).
Làm việc với đoàn kiểm tra, cô Trần Thị Thơm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ten Lơ Man, trưởng điểm thi Trường THPT Trần Văn Giàu, cho biết điểm thi có số lượng TS hơn 800 em, trong đó hơn 300 em là TS tự do.
Ngoài 36 phòng thi, điểm thi còn có bốn phòng đặc biệt gồm một phòng chờ dành cho các TS tự do chờ vào thi, một phòng theo dõi sức khỏe nam, một phòng theo dõi sức khỏe nữ và một phòng dự phòng. Trường còn trang bị cả khu vực nghỉ trưa riêng cho TS nam, nữ cũng như phòng nghỉ trưa cho giáo viên. Đặc biệt trường cũng đã chuẩn bị sẵn 12 máy đo thân nhiệt, khẩu trang y tế và nước sát khuẩn để cho TS và cán bộ coi thi sử dụng.
Trong khi đó, tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn có khoảng 600 TS dự thi tại 25 phòng. Điểm thi bố trí hai phòng dự phòng. Mỗi phòng dự phòng được bố trí chín bàn, đảm bảo khoảng cách an toàn. Trường còn bố trí thêm một phòng cách ly. Sau khi kiểm tra, ông Dương Anh Đức bày tỏ: “Trường đã làm rất tốt các khâu, phòng cách ly cũng thoáng. Nhưng tôi cũng như các thầy cô tham gia kỳ thi hy vọng không ai sử dụng và vào phòng thi này”.
Tại điểm thi Trường THPT Trần Đại Nghĩa, mọi công tác chuẩn bị thi đã hoàn tất. Điểm thi có 670 TS dự thi với 28 phòng thi. Nhà trường bố trí bốn phòng dự phòng, một phòng chờ (hội trường lớn) dành cho TS tự do và hai phòng cách ly.
Kết luận buổi làm việc, phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: “Chúng tôi thấy rất yên tâm với sự chuẩn bị của các điểm thi. Các điểm đảm bảo về giãn cách, về việc tổ chức các phòng thi dự phòng cũng như có ý thức và thực hiện rất tốt các biện pháp để phòng tránh dịch COVID-19. Do đó, hy vọng chúng ta sẽ có một kỳ thi an toàn và mọi việc được thực hiện theo đúng quy chế” - ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.
93 học sinh thuộc diện F1, F2 Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết tính đến 6 giờ sáng 7-8 , Bộ GD&ĐT đã nhận được báo cáo của ba tỉnh, TP gồm Thanh Hóa, Quảng Ngãi và Lạng Sơn có 93 học sinh thuộc diện F1, F2 sẽ thi đợt sau. “Bộ GD&ĐT đã có công văn đề nghị các trường ĐH điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh để bảo đảm quyền lợi cho các TS” - vị này nói. Phát biểu kết luận cuộc họp, liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành giáo dục của tất cả địa phương rà soát, hoàn chỉnh các biện pháp cụ thể, phù hợp, bảo đảm an toàn kỳ thi. Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương cần chủ động các biện pháp phòng dịch với tinh thần “an toàn mới thi, bảo vệ cả TS, thầy cô và phụ huynh”. |