Đua xe trái phép có thể bị xử hình sự

“Tình trạng tụ tập đua xe trái phép có chiều hướng phức tạp. Các nhóm thanh niên rất manh động khi gặp CSGT”. Đây là phát biểu của Trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67), Công an TP.HCM, tại buổi ra quân triển khai thực hiện xử phạt vi phạm hành chính qua hình ảnh nhằm giữ gìn an ninh trật tự cho những ngày lễ lớn và kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp sắp diễn ra. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) về những quy định xử phạt các đối tượng tổ chức và tham gia đua xe trái phép.

. Thưa luật sư, hành vi đua xe trái phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ra sao?

+ Theo quy định tại Điều 34 Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép sẽ bị xử phạt hành chính từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với người đua xe ô tô trái phép. Ngoài việc bị phạt tiền, người thực hiện hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe bốn tháng và tịch thu phương tiện.

. Vi phạm mức độ nào thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

+ Điều 207 BLHS ghi rõ trường hợp vi phạm sau sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm: gây thiệt hại cho sức khỏe, tài sản của người khác. Luật quy định rõ mức gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có tỉ lệ thương tật từ 11% đến dưới 31%. Nếu gây tổn hại cho sức khỏe của hai người trở lên với tỉ lệ thương tật của mỗi người dưới 11% nhưng tổng tỉ lệ thương tật của tất cả người này từ 21% đến dưới 41% hoặc gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 5 triệu đồng đến dưới 70 triệu đồng cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xe máy của các quái xế té ngã khi công an xuất hiện trong một cuộc đua xe trên đại lộ Võ Văn Kiệt (quận Bình Tân, TP.HCM) rạng sáng 24-1-2016. Ảnh: CTV

Đối với hành vi tham gia cá cược hoặc đua xe nơi tập trung đông dân cư… thì khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù; phạm tội trong trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. 

. Vậy hành vi tổ chức đua xe trái phép mà chưa gây tai nạn có bị xử hình sự không?

+ Khoản 1 Điều 206 BLHS quy định người nào tổ chức trái phép việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy cuộc đua xe trái phép, có thể tham gia hoặc không tham gia cuộc đua xe trái phép cũng bị xử phạt. Như vậy, chỉ cần tổ chức đua xe trái phép thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đua xe trái phép, không cần phải có hậu quả là gây ra tai nạn.

. Thưa luật sư, những người chỉ cổ vũ đua xe thì có bị xử lý?

+ Cổ vũ đua xe cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 34 Nghị định 171/2013/NĐ-CP, người nào tụ tập để cổ vũ, kích động hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép sẽ bị xử phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.

. Xin cám ơn luật sư.

Trung tá HUỲNH TRUNG PHONG, Phó Trưởng phòng PC67 Công an TP.HCM:

Chia quân xử lý từng nhóm đối tượng

PC67 đang mở cao điểm tổng kiểm tra hành chính trên toàn địa bàn TP.HCM vào khung thời gian từ 19 giờ đến 2 giờ sáng nhằm xử lý triệt để các hành vi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, tụ tập chạy xe gây rối trật tự công cộng. Ngoài ra, phòng tăng cường thêm 16 tổ công tác thuộc các đơn vị trực thuộc tiến hành sử dụng camera di động ghi nhận các hành vi vi phạm. Những người vi phạm mà camera ghi hình sẽ bị gửi thông báo về địa phương, nếu không chấp hành quy định xử phạt thì thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu, các tổ tuần tra kiểm soát sẽ dừng các phương tiện và đề nghị người điều khiển phương tiện thông báo cho chủ phương tiện đến cơ quan chức năng để xác định lỗi vi phạm.

PC67 sẽ tăng cường lực lượng có nghiệp vụ chuyên sâu nhằm kịp thời, nhanh chóng phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng tổ chức đua xe trái phép. PC67 sẽ tham mưu cho các cấp lãnh đạo các đơn vị phường, xã tổ chức rà soát, thống kê các điểm sửa xe có biểu hiện “độ” xe, các thanh thiếu niên có biểu hiện thường xuyên tụ tập, chạy xe gây rối viết giấy cam kết không vi phạm, đồng thời xử lý triệt để ngay từ đầu các trường hợp vi phạm.

Thượng tá PHAN VĂN MIẾNG, Phó Trưởng phòng PC67 Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:

Tuần tra 24/24 giờ để ngăn chặn đua xe

Đội Tuần tra giao thông PC67 sẽ phối hợp với Công an huyện Tân Thành, TP Bà Rịa, TP Vũng Tàu… tổ chức đội tuần tra 24/24 giờ dọc tuyến quốc lộ 51 và một số tuyến đường quan trọng khác ngăn chặn tình trạng đua xe, lạng lách, đánh võng. PC67 cũng phối hợp Ban An toàn giao thông tỉnh điều chỉnh lại một số đèn tín hiệu giao thông cho phù hợp, đồng thời lập các chốt đo nồng độ cồn để xử lý các trường hợp vi phạm. PC67 cũng đã có kế hoạch tuyên truyền pháp luật, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho người dân và đặc biệt với một số thanh thiếu niên thường thích tụ tập để lạng lách, chạy xe máy tốc độ cao.

N.HIỀN - K.LY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm