Mất ý nghĩa của buổi chào cờ
Thực ra, không ít trường áp dụng cách phê bình học sinh (HS) yếu như thế nhưng bắt HS làm bài kiểm tra trước trường thì tôi chưa thấy. Đáng nói là việc này lại diễn ra vào giờ chào cờ, giờ mà các trường cho HS sinh hoạt các hoạt động, nghe những thông tin hay mang tính giáo dục là chính chứ không phải giờ để phê bình các em. Như thế vô tình sẽ làm mất ý nghĩa của buổi lễ chào cờ và khiến ngày đầu tuần trở nên căng thẳng, ngày cuối tuần trước đó vì thế cũng mệt mỏi với các em hơn.
Học lực là khả năng của từng em, từng lớp và là trách nhiệm của giáo viên. Nhà trường chỉ cần nhắc nhở chung chung trước toàn trường và lưu ý các thầy cô liên quan trong họp hội đồng sư phạm là được. (Phó hiệu trưởng một trường THCS tại quận 3)
Là một cô giáo nhưng tôi cũng từng là một đứa trẻ!
Thấy đồng nghiệp của mình đem HS ra răn đe dưới cờ trước hàng nghìn người mà tôi chợt rùng mình . Có thể, các thầy cô nghĩ rằng những em HS ấy sẽ được tốt hơn sau khi bị phê bình nhưng liệu các thầy cô có nghĩ nó mang dáng dấp của sự “bạo hành tinh thần” hoặc “xúc phạm nhân phẩm không”?
Tôi là một giáo viên nhưng cũng từng là một đứa trẻ và đứa trẻ nào cũng từng mắc phải sai lầm.Tôi còn nhớ có một lần, cô giáo dạy môn Vật lý gọi tên từng HS trong lớp để biết mặt. Khi đọc đến cái tên yểu điệu, dài dòng của tôi, cô giáo quay sang ném cho tôi cái nhìn khó chịu và gằn giọng:“Chữ lót em là Thị hay Thụy?”.
Nhìn khuôn mặt lạnh lùng pha vẻ giễu cợt của cô, tôi bấn loạn đến không nhớ ra tên mình “thưa cô em không biết ạ”. Thế là cô mắng một trận tơi tả: “Em có bình thường không vậy? Đến tên mình mà cũng không nhớ nổi!”.
Chỉ có như thế thôi đã khiến tôi bắt đầu sợ học môn vật lý. Tôi co rúm lại vì sợ hãi và mãi mãi về sau tôi không bao giờ quên được. Và giờ tôi cũng đã trở thành cô giáo nhưng tôi luôn muốn mang những điều tốt đẹp nhất đến với học trò, hạnh phúc mỗi khi nhìn bọn trẻ cười, mỗi khi một HS nào đó nói rằng:“Giờ hóa của cô là giờ dễ chịu nhất đối với tụi con”. Bởi nhiệm vụ của chúng tôi là dạy cho bọn trẻ làm người, tạo môi trường học tập tích cực chứ không phải là trừng phạt.
Đã là giáo viên phải cần hiểu rằng với trẻ cá biệt thì sử dụng biện pháp càng cứng càng dễ gãy. Nếu dùng những hình phạt càng nặng thì trẻ càng lỳ ra và ngang ngược hơn để chống đối và để giữ thể diện trước bạn bè mà thôi. (Tô Thụy Diễm Quyên, giáo viên Trường THCS Đức Trí, quận 1)
Biểu hiện của bệnh thành tích!
Nói phê bình như thế là vì tốt cho HS nhưng thực ra là để phục vụ mục đích cao hơn là nâng thành tích cho nhà trường. Bởi không trường nào muốn HS bị yếu kém, nhất là các em cuối cấp, rồi thi lên lớp 10 điểm thấp, vào những trường THPT tốp thấp. Trường nào cũng có HS giỏi và yếu kém, chỉ khác nhau ở giải pháp để làm sao kéo giảm số em học yếu lại thôi.
Có nhiều em yếu vì quá ham chơi chứ không phải do năng lực vì tuổi này các em thường dễ sa đà theo bạn vui chơi. Những em này chỉ có cách theo dõi nghiêm ngặt từ trong lớp và làm việc với phụ huynh là chính. Tất nhiên cũng có những em thực sự yếu, cũng không có định hướng học lên cao nhiều thì trường phải có phương pháp dạy khác để những em này đảm bảo được kiến thức căn bản thôi, khi hết THCS thì định hướng để các em đi học nghề sẽ tốt hơn. (Một giáo viên trường THCS tại quận 5)