Tuy nhiên, việc cấp phép xây dựng cho các cao ốc tại khu vực trung tâm TP, trong đó có quận 1, 3 cũng tạo ra mặt trái khi tạo áp lực lên hạ tầng kỹ thuật (như kẹt xe, ngập nước), hạ tầng xã hội (như bệnh viện, trường học) khiến tình hình ngày một quá tải. Đây là khu vực đã ổn định, chưa có quy hoạch không gian ngầm cũng như chưa có loại hình giao thông trên cao nên gần như không thể phát triển thêm hạ tầng giao thông.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, chỉ tính riêng hai năm 2017-2018, trong 511 dự án xây dựng cao ốc trên địa bàn TP được cấp phép xây dựng thì có gần 50 dự án tại hai quận 1, 3. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo tình trạng “vỡ trận” do quá tải từ áp lực giao thông, dân số đổ dồn về hai quận trung tâm ngày một căng thẳng. Phải đến khi HĐND TP thông qua nghị quyết về Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2025 thì việc xây dựng cao ốc tại đây mới chính thức được siết lại.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là chủ trương này mới chỉ đề cập đến việc hạn chế xây dựng các dự án nhà ở tại hai quận 1, 3 trong giai đoạn tới. Còn các dự án cũng cao tầng khác, cũng lôi kéo số lượng lớn người lưu thông, sinh hoạt thậm chí sinh sống (do chỗ ở thường gắn liền với nơi làm việc) như cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn, giải trí công cộng… lại không nằm trong chủ trương ngừng cấp phép.
Theo lý giải của Sở Xây dựng, sở dĩ quy định trên chỉ áp dụng với các dự án phát triển nhà ở vì phạm vi của chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở chỉ đề cập đến nhà ở. Đến khi nào có đề án phát triển đô thị nói chung với sự phối hợp của nhiều sở, ngành liên quan thì mới tính toán đến bài toán tổng thể này. Điều này cho thấy còn tình trạng manh mún, riêng lẻ giữa các ngành, các sở cho dù cùng quản lý một khối đô thị. Thay vì phải có một chương trình tổng thể và toàn diện về đô thị trong đó có nhiều nhánh nhỏ về giải pháp, ứng xử với dự án nhà ở hay cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại... thì lần này mới chỉ đặt chủ trương với dự án nhà ở.
Dẫu sao thì ngừng cấp phép xây dựng dự án nhà ở tại hai quận nói trên cũng là chủ trương đúng và kịp thời của TP để giảm tải cho khu vực trung tâm, cải thiện đô thị hiện hữu và giãn dân. Nhưng nếu TP có một chủ trương bao quát, toàn diện và đa ngành hơn thì có lẽ khi đó hiệu quả mới tốt nhất.