Đừng để đất công thành… đất ông

Thanh tra các dự án BT

Để ngăn chặn tình trạng thất thoát tài sản của Nhà nước và chỉ làm giàu cho một nhóm người này, trước hết phải kiểm tra, thanh tra các dự án BT có sử dụng quỹ đất hoàn vốn, các dự án giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá.

Nếu phát hiện có sai phạm, phải xử lý nghiêm những người lợi dụng chức trách để trục lợi hoặc cố ý làm trái quy định. Nhà nước cần có quy định, chế tài cụ thể để buộc các địa phương phải tổ chức đấu giá công khai, minh bạch tất cả dự án BT, các khu đất được sử dụng làm giá trị hoàn vốn, các khu đất giao hoặc cho các doanh nghiệp thuê để thực hiện các dự án kinh doanh. Đặc biệt, phải căn cứ vào giá trị thực, giá thị trường để xác định, phê duyệt giá đất chứ không thể lấy bảng giá đất của tỉnh để áp vào. Tất cả khâu này phải được giám sát chặt chẽ, minh bạch chứ không thể giao cho một vài cá nhân lợi dụng để trục lợi.

Ông PHẠM VĂN CHI, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa

Phải trả lại tài nguyên quốc gia

Gần đây, tại một số địa phương, trong đó có tỉnh Phú Yên, có hiện tượng một số người thâu tóm đất công, nhất là các khu đất vàng để làm tài sản riêng, làm lợi cá nhân. Tình trạng này có sự tiếp tay, tạo điều kiện của chính quyền, các cơ quan chức năng như giao đất, cho thuê đất, cho chuyển nhượng đất trái quy định. Qua đó họ chuyển hóa giá trị tài nguyên đất đai vào túi một số người. Đây là biểu hiện của lợi ích nhóm.

UBND tỉnh Khánh Hòa giao hàng chục hecta đất vàng sân bay  Nha Trang cũ cho doanh nghiệp không qua đấu giá. Ảnh: TẤN LỘC

Thực tế, nhiều doanh nghiệp, cá nhân lập dự án chủ yếu để được cấp đất, chiếm đất rồi tìm cách chuyển nhượng nhằm trục lợi. Những doanh nghiệp, cá nhân này có quan hệ thế nào đó với chính quyền, lãnh đạo nên dễ dàng đạt được. Họ cố tình làm sai vì quyền lợi cá nhân; bất chấp quy định pháp luật, bỏ qua quyền lợi cộng đồng. Hiện tượng rõ nhất là một số người trong chính quyền Nhà nước, cơ quan chức năng không những không bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân mà lại tạo điều kiện cho những người có ý đồ bòn rút tài nguyên quốc gia để bỏ túi riêng. Thế nhưng khi dư luận xã hội bất bình thì không hiểu sao các cơ quan chức năng cứ lẩn tránh.

Nếu cứ để kéo dài tình trạng này, tài nguyên đất đai của quốc gia bị thất thoát ngày càng lớn. Đặc biệt, tính tư hữu về đất đai sẽ xuất hiện ngày càng nhiều, trái với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Khi đó, khoảng cách giàu nghèo càng gia tăng, trái với mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước mà chúng ta đang hướng tới.

Nhà nước phải kiên quyết thu hồi diện tích đất giao, cho thuê trái quy định, không đúng với giá trị thực vì đây là tài nguyên quốc gia. Không thể cứ xử lý cho có rồi cho tiếp tục triển khai dự án. Cấp này làm không được thì cấp khác phải làm.

Ông NGUYỄN VĂN CHÍN, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên

Thiếu minh bạch trong thực hiện các dự án BT

Mới đây, HĐND tỉnh Khánh Hòa có tiếp xúc với các nhà báo hoạt động trên địa bàn để nghe phản ánh về các dự án BT. Tuy nhiên, thường trực HĐND tỉnh cho rằng không có tài liệu, thông tin để trả lời báo chí.

Minh chứng phần nào về sự thiếu công khai, minh bạch trong quá trình triển khai thực hiện các dự án BT có liên quan đến đất đai. Phải chăng chưa có chế tài, cơ chế giám sát việc ban hành các quyết định giao đất, định giá đất thực hiện các dự án trọng điểm tại các địa phương dẫn đến đất vàng rơi vào tay các công ty tư nhân với nhiều hình thức khác nhau.

Nhiều địa phương lợi dụng “trường hợp đặc biệt” thu hồi đất, chỉ định thầu giao đất tràn lan, dễ phát sinh tham nhũng, gây lãng phí tài nguyên, phục vụ lợi ích nhóm.

Các cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng thanh tra, giám sát để kết luận có tham nhũng hay không, có hay không việc cố ý làm trái các quy định của Nhà nước trong ban hành các quyết định giao đất, chỉ định thầu, quyết định đầu tư xây dựng… để xử lý nghiêm.

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa

Cơ quan chức năng cần giám sát

Cơ quan chức năng có thể kiểm tra hồ sơ dựa vào một trong các yếu tố sau để xem xét: Giá khởi điểm có khách quan tại thời điểm bán đấu giá không; bước giá đã được công bố có thật sự hợp lý không; thực tế có bao nhiêu người tham gia phiên đấu giá.

Với cơ chế hiện tại, rất khó để kiểm soát được “quân xanh, quân đỏ” trong việc này. Tuy nhiên, với những phiên đấu giá mà các công ty có liên quan với nhau là bất thường.

Luật sư LÊ TRUNG PHÁT, Giám đốc Công ty luật TNHH Luật Sư Riêng- Đoàn Luật sư TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm