Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi. Dự thảo này có nhiều điểm mới liên quan đến bán hàng qua mạng.
Đáng chú ý, để quản lý các cá nhân bán hàng qua mạng, Bộ Tài chính đề xuất một sản phẩm hàng hóa có giá trị từ 1 triệu đồng/lần trở lên sẽ thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo tỉ lệ % và không thu thuế đối với một sản phẩm hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng/lần.
Trường hợp một sản phẩm hàng hóa dưới 1 triệu đồng mà tần suất giao dịch từ hai lần/ngày thì thực hiện thu thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân theo quy định.
Không công bằng
Lý giải về việc siết chặt quản lý thuế trên mạng, Bộ Tài chính cho rằng do ở Việt Nam, mô hình kinh doanh này ngày một phát triển với việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quảng cáo. Song cách quản lý thuế của cơ quan thuế các cấp hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý một cách đầy đủ và chính xác đối với loại hình kinh doanh này.
Phản ứng trước đề xuất của Bộ Tài chính, anh Minh An, chuyên kinh doanh hàng từ Nhật trên mạng, cho rằng cách thu này không hợp lý, mang tính tận thu, làm khó cá nhân kinh doanh. “Nếu đề xuất trên được áp dụng vào thực tế thì gần như 100% giao dịch qua mạng của các cá nhân, hộ kinh doanh đều bị tính thuế. Vì theo quy định, trường hợp một sản phẩm hàng hóa dưới 1 triệu đồng mà tần suất giao dịch từ hai lần/ngày phải nộp thuế, trong khi việc giao dịch vài lần, thậm chí vài chục lần trong ngày là bình thường nên kiểu gì chúng tôi cũng phải chịu thuế. Hệ quả là các cá nhân kinh doanh trên mạng sẽ tìm cách lách để khỏi nộp thuế” - anh An phân tích.
Cơ quan thuế đang muốn đánh thuế với hàng hóa trên 1 triệu đồng được mua bán trên mạng. Trong ảnh: Bạn trẻ tìm mua quần áo bán trên mạng Facebook. Ảnh: HOÀNG GIANG
Chị Ngọc Ánh vừa kinh doanh bán hàng quần áo trên mạng vừa có tiệm bán trực tiếp, phân tích: Tính thuế theo ngày, theo giá trị sản phẩm hàng hóa là thiếu công bằng. Cách tính thuế này vô tình tạo ra sự bất bình đẳng giữa kinh doanh bán hàng truyền thống với bán hàng trên mạng.
“Lý do là hiện nay những cá nhân, hộ kinh doanh truyền thống có doanh thu bán hàng trên 100 triệu đồng/năm phải đóng thuế. Trong khi với đề xuất mới của Bộ Tài chính, các cá nhân kinh doanh trên mạng nếu mỗi ngày bán hàng có trị giá khoảng 990.000 đồng, tính ra cả năm doanh thu bán hàng trên 350 triệu đồng vẫn không phải đóng thuế”.
Tán đồng với quan điểm này, luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế, cho rằng: “Đề xuất tính thuế như trên khiến cơ quan thuế tự làm khó mình. Ngành thuế sẽ khó có đủ nhân lực, thiết bị công nghệ kiểm soát, theo dõi giao dịch các cá nhân kinh doanh bán hàng trên mạng theo từng ngày”.
Khó đếm từng đơn hàng để thu thuế
Ông Trương Ngọc Hiệp, Chi cục phó Chi cục Thuế quận Bình Thạnh, nhận xét đề xuất tính thuế theo giá trị sản phẩm theo ngày có thể sẽ không hiệu quả. Bởi với phương thức quản lý thuế theo kiểu truyền thống như hiện nay rất khó để kiểm soát vì vừa cần nhiều nhân lực, vừa mất thời gian mà chưa biết có đạt được kết quả hay không.
“Đề nghị Bộ Tài chính có thay đổi trong phương pháp quản lý thuế. Theo đó, nên đầu tư công nghệ vào quản lý thuế, làm sao tính toán, kiểm soát tự động được thông tin, giao dịch ngay từ đầu vào” - ông Hiệp nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, một cán bộ cao cấp ngành thuế (không muốn nêu tên) cho rằng đề xuất trên của Bộ Tài chính khó áp dụng trong thực tế bởi việc xác định giá trị giao dịch 1 triệu đồng rất khó. Đặc biệt trong các quy định thuế hiện nay không có ngưỡng 1 triệu đồng mà chỉ có quy định cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm mới phải đóng các loại thuế.
Nâng doanh thu lên 350 triệu đồng/năm mới thu thuế Với đề xuất tính thuế của Bộ Tài chính đưa ra là giá trị sản phẩm từ 1 triệu đồng trở lên thu thuế, tính ra doanh thu bán hàng một năm khoảng 350 triệu đồng trở lên phải nộp thuế. Vì vậy, thay vì tính thuế theo ngày, cơ quan thuế không đủ sức kiểm để thu thì Bộ Tài chính nên đề xuất tính theo năm. Cụ thể, nâng mức doanh thu của cá nhân, hộ kinh doanh bao gồm cả bán hàng trên mạng từ 350 triệu đồng/năm trở lên sẽ phải kê khai nộp thuế. Luật sư TRẦN XOA, Giám đốc Công ty luật |
“Bán hàng qua mạng chỉ là phương thức bán hàng chứ không phải hình thức kinh doanh mới. Do vậy, nếu tách nhóm kinh doanh trên Facebook và nhóm hộ kinh doanh truyền thống sẽ rất khó phân biệt và cơ quan thuế khó xác định đối tượng. Chưa kể làm sao ngành thuế xác định được đâu là giao dịch 1 triệu đồng để thu thuế.
“Cơ sở hạ tầng dữ liệu hiện nay giữa ngân hàng và cơ quan thuế chưa thể thực hiện quản lý được việc này. Ngành thuế không thể ngồi theo dõi, đếm từng đơn hàng trên Facebook. Việc quản lý kết nối giao dịch của doanh nghiệp còn chưa làm nổi thì làm sao quản lý được cá nhân” - vị cán bộ này nêu quan điểm.
Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn thì nhận xét chính Bộ Tài chính thừa nhận cách quản lý thuế của cơ quan thuế các cấp hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý một cách đầy đủ và chính xác đối với loại hình kinh trên mạng. “Do đó, theo tôi nên tạo điều kiện hỗ trợ phát triển kinh doanh qua mạng, tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời phát triển một môi trường giao dịch điện tử không tiền mặt, khuyến khích cá nhân, hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp kinh doanh trên mạng với nhiều ưu đãi về thuế, chính sách. Khi đó, để tạo uy tín cho khách hàng, để tăng sức cạnh tranh, nhiều cá nhân, hộ kinh doanh trên mạng sẽ thành lập công ty và tự động nộp thuế” - ông Sơn gợi ý.
Sửa luật để thu thuế Google, Facebook, Apple Tại dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi, Bộ Tài chính cũng đề nghị các công ty vận hành mạng nước ngoài tại Việt Nam thiết lập đầu mối như mở văn phòng đại diện chính thức để phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam. “Đề nghị Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Tài chính đề nghị nhà cung cấp nước ngoài như Google, Facebook, Apple,... khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với các dịch vụ mà tổ chức nước ngoài có cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam” - dự thảo của Bộ Tài chính nêu. Dự thảo vừa được công bố cũng đề nghị cơ quan quản lý phối hợp và trao đổi, cung cấp thông tin với cơ quan thuế các nước, với các công ty cung cấp dịch vụ Internet (VDC, FPT, MobiFone, VinaPhone, Viettel,…) để nắm bắt được về số lượng và giá trị giao dịch thương mại điện tử, về việc thanh toán qua ngân hàng trong các giao dịch. |