Như PLO đã đưa tin, ngày 29-3, Cục CSGT thông tin, vào khoảng 11 giờ 20 cùng ngày, Tổ CSGT thuộc Đội TTKS giao thông đường bộ cao tốc số 6, Phòng hướng dẫn TTKS giao thông đường bộ (Đội 6, Cục CSGT) đang làm nhiệm vụ, xử lý vi phạm (XLVP) trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đã dừng kiểm tra xe ô tô có biển kiểm soát 52Y-86xx do vi phạm chạy quá tốc độ quy định. Qua kiểm tra, người điều khiển phương tiện là ông NPHT (47 tuổi, trú tại quận 11, TP.HCM).
Ông T đã xuất trình các loại giấy tờ liên quan, trong đó có một giấy phép lái xe (GPLX) hạng A2, B2 mang tên NPHT do Sở GTVT TP.HCM cấp có giá trị đến 5-11-2031 và một thẻ nhà báo mang tên NPHT, bút danh HT, thuộc Đài Truyền hình TP.HCM do Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông cấp có giá trị đến 31-12-2025.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác nghi vấn hai loại giấy tờ trên là giả nên mời người này về trụ sở đơn vị để làm việc.
Tại cơ quan Công an, ông T khai nhận vào khoảng tháng 1, ông T lên mạng đặt mua một GPLX và một thẻ nhà báo như trên với tổng số tiền 20.000.000 đồng, mục đích sử dụng để điều khiển phương tiện và xuất trình khi bị các lực lượng chức năng kiểm tra.
|
Tài xế T tại thời điểm kiểm tra. Ảnh CACC |
Trao đổi với PLO, Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết: Sử dụng thẻ nhà báo giả để đối phó với CSGT được coi là hành vi mạo danh nhà báo.
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 119/2020 (được bổ sung bởi khoản 8 Điều 2 Nghị định 14/2022), hành vi mạo danh nhà báo bị xử phạt hành chính với hình thức phạt tiền, mức phạt từ 10 triệu – 30 triệu đồng.
Ngoài ra, người làm giả thẻ nhà báo có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 341 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Mức phạt cao nhất với tội danh này lên đến 7 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng.
Luật sư cũng cho biết thêm, sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. GPLX giả là GPLX không được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền (theo quy định tại Điều 21 Nghị định 100/2019 được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021).
Hành vi “sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp” sẽ bị xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 12 triệu đồng và áp dụng biện pháp bổ sung là tịch thu GPLX đó.
Trường hợp sử dụng GPLX giả và dùng giấy tờ giả đó để nhằm lừa dối cơ quan chức năng thì hành vi đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.