Mới đây một công ty Việt Nam đã được Tập đoàn ô tô lớn nhất Ấn Độ - Tata chọn làm đối tác phân phối, lắp ráp và chuyển giaocông nghệ loại xeô tô Tata Nano được xem là xe giá rẻ nhất thế giới.Theo thông tin ban đầu, nếu được nhập về bán ở Việt Nam xe chỉ có giá 100 triệu đồng, còn lắp ráp tại Việt Nam sẽ có giá khoảng 200 triệu đồng. Nhiều người tiêu dùng Việt Nam đã sôi sục tìm kiếm thông tin về dòng xe này trong thời gian qua. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho biết nếu nhập khẩu từ Ấn Độ về Việt Nam sẽ khó có mức giá 100 triệu đồng/xe.
Không có chuyện ô tô giá 100 triệu đồng
Ông Trương Kim Phong, Giám đốc marketing Công ty Ford Việt Nam, cho biết thực ra loại xe giá rẻ này cũng không thành công ở chính thị trường nội địa Ấn Độ vì người tiêu dùng không chấp nhận do chất lượng, độ an toàn kém. Nếu nhập khẩu thì xe Tata Nano (loại rẻ nhất) khi bán ở thị trường Việt Nam cũng không có mức giá 100 triệu đồng/xe. Hiện nay thuế nhập khẩu ô tô từ Ấn Độ vào Việt Nam đang rất cao (70%), chưa kể phải chịu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xe có dung tích động cơ dưới 1,5 lít (45%). Ngoài ra còn chi phí vận chuyển, quảng cáo, trưng bày, bảo hành, lãi của nhà phân phối, đại lý...
một người tên Minh, quản lý diễn đàn mua bán ô tô trên mạng, giải thích với các mức thuế, phí xe nhập khẩu từ Ấn Độ phải chịu, loại xe Tata Nano giá bán 2.500 USD tại Ấn Độ (khoảng hơn 50 triệu đồng), khi nhập về VN giá xe đã đội lên gần 130 triệu đồng/xe. Nếu cộng chi phí khác giá cũng xấp xỉ 200 triệu đồng, chứ không có chuyện xe nhập về đến Việt Nam bán 100 triệu đồng/xe.
“Có thể nói là phí tiền nếu bỏ ra gần 200 triệu đồng để mua xe này vì nó chẳng khác gì một đống sắt chạy được. Ở Ấn Độ, Tata Nano chia thành nhiều loại, giá rẻ nhất 2.500 USD/xe và cao nhất là 5.000 USD/xe tùy vào tiện ích trang bị. Đối với loại xe Tata Nano giá 2.500 USD - loại nguyên sơ nhất: Không có trợ lực, không điều hòa, không radio, không gương kính điện, chỉ có một bên gương hậu, không có cửa hậu, không túi khí, động cơ quá yếu chỉ 624 cc… Về cơ bản nó chẳng khác ô tô điện của Trung Quốc đang bán ở Việt Nam, chỉ khác là thay bằng động cơ xăng. Thế nên sẽ không có nhà nhập khẩu nào dám nhập loại xe này vào Việt Nam. Nếu có, nhà nhập khẩu sẽ nhập loại xe Tata Nano có đầy đủ tiện ích và giá bán cao hơn nhiều lần. Song mức giá 200 triệu đồng/xe cũng khó có đất sống để cạnh tranh với các loại xe giá rẻ trên dưới 300 triệu đồng của nhiều hãng xe lớn đang có mặt tại Việt Nam so về thiết kế, tiện ích và chất lượng” - ông Minh phân tích.
Lo ô tô tăng giá
Theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, đến năm 2018 thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ bằng 0. Thế nhưng ô tô nhập khẩu khó có giá rẻ vì Bộ Tài chính mới có đề xuất phương án điều chỉnh cách tính thuế TTĐB đối với ô tô nhập khẩu theo hướng tăng. Dự kiến giá ô tô sẽ tăng cả trăm triệu đồng/chiếc nếu cách tính này được áp dụng.
Ông Trương Kim Phong, Giám đốc marketing Công ty Ford Việt Nam, cho biết thuế nhập khẩu ô tô như Thái Lan về Việt Nam hiện ở mức 40%. Nếu với lộ trình giảm thuế về 0% thì đến năm 2018, giá xe chắc chắn sẽ giảm. Nhưng thuế nhập khẩu giảm mà thuế TTĐB tăng thì ô tô sẽ không có chuyện giảm giá. Cuối cùng, người tiêu dùng Việt Nam là đối tượng chịu thiệt hại nhiều nhất.
Cách tính thuế TTĐB cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Đại diện một doanh nghiệp (DN) ô tô lắp ráp trong nước cho rằng nếu so sánh xe sản xuất trong nước với xe nhập khẩu thì xe sản xuất trong nước, ngoài chi phí sản xuất ra còn có nhiều chi phí khác như chi phí đầu tư vào hệ thống phân phối, dịch vụ sau bán hàng... Các chi phí này tạo nên giá thành của chiếc xe, song lại tiếp tục bị đánh thuế TTĐB.Trong khi đó, xe nhập khẩu chỉ tính giá tại thời điểm nhập khẩu và chưa có lợi nhuận của nhà phân phối. Vẫn thiệt thòi cho các nhà sản xuất xe trong nước.
Còn theo ông Nguyễn Một, Giám đốc truyền thông Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), khó khăn hiện nay của DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước là phải chịu thuế nhập khẩu linh phụ kiện 15%-30%. Nhập khẩu linh kiện từ các nước ASEAN sẽ được hưởng thuế nhập khẩu 0% vào năm 2018 nhưng đối với Thaco đang nhập linh kiện từ Hàn Quốc lại phải chờ rất lâu mới được hưởng thuế suất bằng 0 dù FTA Việt Nam-Hàn Quốc đã ký kết. Như hộp số phải thời hạn 10-15 năm mới giảm mức thuế nhập khẩu về 0%. Với lộ trình giảm thuế quá dài hơn 10 năm, mức thuế giảm từng năm nhích từng tí 1%/năm thì không đáng kể, không có lợi cho DN. Vì vậy, Thaco kiến nghị các cơ quan quản lý xem xét giảm thuế nhập khẩu linh kiện ô tô, có lộ trình giảm thuế này xuống 0% trong thời gian sớm hơn để khuyến khích DN tăng năng lực sản xuất kinh doanh cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Bốn tháng đầu năm Việt Nam nhập khẩu hơn 35.000 ô tô Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, bốn tháng đầu năm, lượng xe ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu vào Việt Nam là hơn 35.000 chiếc, tăng 131% về lượng và 181% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xe chín chỗ trở xuống là 13.200 chiếc, tăng 89%. So với cùng kỳ năm trước, lượng xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc tăng đáng kể 8.860 chiếc, tăng mạnh 289%; Thái Lan gần 7.000 chiếc (tăng 165%); Ấn Độ 5.700 chiếc (tăng 164%); Nhật 2.300 chiếc (tăng 120%)... Ít người lựa chọn Tata Nano Tôi đang chạy chiếc xe Chevrolet Spark giá khoảng 390 triệu đồng (bao gồm lệ phí trước bạ và các loại phí dịch vụ đăng ký xe) được xem là một trong những dòng ô tô giá rẻ hiện nay với đầy đủ tiện ích, độ an toàn. Thị trường còn có nhiều dòng xe giá rẻ hơn như Spark Van (hai chỗ) giá chưa tới 300 triệu đồng, Kia Morning giá thấp nhất trên 360 triệu đồng. Với thiết kế và tiện ích như của Tata Nano, nếu giá 200 triệu đồng sẽ có ít người tiêu dùng lựa chọn. Chưa kể độ an toàn khi tham gia giao thông đô thị cũng cần xem lại. Nếu có 200 triệu đồng thì có thể mua xe cũ, chất lượng, tiện ích tốt hơn nhiều. Anh TÂM BẢO, ở đườngHòa Bình, quận 11, TP.HCM |