Bảng dự toán thu chi quỹ phụ huynh hơn 310 triệu đồng của Trường Tiểu học Hồng Hà, quận Bình Thạnh khiến phụ huynh tá hỏa với mức thu quá cao và nhiều khoản vô lý. Ngày 28-9, Phòng GD&ĐT quận đã có thông tin chính thức về sự việc trên.
Phải trả lại gần 250 triệu đồng cho phụ huynh
Trong cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm, lớp 1/2 có 29/32 phụ huynh tham dự thống nhất cải tạo lớp học để học sinh dùng suốt năm năm.
Việc sửa chữa gồm lắp máy điều hòa, quạt hút, lát nền, lắp tủ lớp, tủ giày, xây bồn hoa trước lớp, sơn bàn ghế, mua micro. Tổng số tiền đã thu là hơn 313 triệu đồng, tổng số tiền đã chi là 260 triệu đồng, số tồn còn hơn 52 triệu đồng.
“Mặc dù công trình cải tạo lớp học do phụ huynh tự nguyện đóng góp nhưng quy trình vận động thu chi không đúng nên sẽ hoàn trả lại” - thông báo nêu.
Ngoài ra, các khoản chi văn nghệ, tiền ăn uống, mua vải thun, chi hỗ trợ nguyên năm, chi hỗ trợ cô Thu, hòa mạng, trang phục chị Hằng, chi tiền lồng đèn hơn 20 triệu đồng cũng sai quy định sẽ hoàn lại.
Do đó, tổng số tiền ban đại diện trả lại cho phụ huynh cả lớp là 247,5 triệu đồng.
Chiều 28-9, tại buổi họp báo thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội trong tuần qua, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, đã trả lời hàng loạt vấn đề nóng trong năm học mới diễn ra tại TP.HCM.
Liên quan đến sự việc tại Trường Tiểu học Hồng Hà, bà Châu cho biết Sở GD&ĐT có văn bản hướng dẫn thu chi cho các trường đầu năm học về các khoản hỗ trợ, tài trợ của phụ huynh. Sở cũng giao nhiệm vụ các phòng GD&ĐT chấn chỉnh, lập đoàn kiểm tra và giám sát. Bà Châu cũng nhìn nhận TP đang chủ động chống lạm thu đầu năm nhưng tình trạng này vẫn diễn ra, cụ thể như Trường Tiểu học Hồng Hà, có nhiều khoản chi không đúng mục đích.
Sở GD&ĐT TP.HCM tiếp tục chỉ đạo các địa phương theo dõi, giám sát việc thực hiện của những cơ sở giáo dục trên địa bàn, kịp thời xử lý nếu có vấn đề phát sinh.
Phòng GD&ĐT cũng đã ban hành văn bản chấn chỉnh, đảm bảo thực hiện nghiêm quy định về thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác. Trong thời gian chờ văn bản của quận về hướng dẫn thu học phí và các khoản thu khác, các trường chỉ tạm thu tiền ăn bán trú, các khoản còn lại phải được công khai bằng văn bản đến phụ huynh. Phòng cũng chỉ đạo nhà trường theo dõi và giám sát việc thu chi sai quy định.
“Phòng cũng yêu cầu Trường Tiểu học Hồng Hà nghiêm túc rút kinh nghiệm, phê bình hiệu trưởng vì chưa thực hiện tốt vai trò quản lý. Trường cần phê bình giáo viên chủ nhiệm lớp 1/2 vì vận động chưa đúng quy định” - văn bản nêu.
Cách thực hiện chưa đúng
Hiệu trưởng một trường tại quận 6 cho biết Thông tư 16/2018 của Bộ GD&ĐT đã có quy định về vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo vị hiệu trưởng này, muốn vận động tài trợ, trường phải thực hiện theo quy trình, trong đó phải có kế hoạch vận động và có sự phê duyệt của đơn vị quản lý. Sau đó, trường mới thành lập tổ tiếp nhận tài trợ và triển khai.
“Đối chiếu Thông tư 16 với cách làm của lớp 1/2 Trường Tiểu học Hồng Hà, việc thu chi này đã sai từ quy trình cho đến cách thực hiện và tiếp nhận. Hơn nữa, lớp thực hiện thu cào bằng là không đúng nguyên tắc của việc vận động” - vị này nói và cho biết thêm liên quan đến sửa chữa cơ sở vật chất của trường thì hiệu trưởng còn phải xin ý kiến của Phòng Quản lý đô thị do thay đổi kết cấu của công trình.
“Để thực hiện vận động theo Thông tư 16 của Bộ GD&ĐT phải thực hiện theo đúng quy trình. Tuy nhiên, quy trình này rất phức tạp, mất nhiều thời gian nên các trường cũng e dè” - vị này nói thêm.
Đồng quan điểm, hiệu trưởng một trường THCS tại quận nội thành cho biết việc thu chi của lớp 1/2 Trường Tiểu học Hồng Hà đã thực hiện chưa đúng khi cào bằng khoản thu cũng như chưa có kế hoạch vận động để cấp trên duyệt đã đi vào thực hiện. Khi đã tổ chức vận động phụ huynh để thực hiện một công trình nào đó thì các trường phải thực hiện đúng theo Thông tư 16.
“Thực hiện đúng theo Thông tư 16 rất nhiêu khê. Do đó, hiện nay một số trường thực hiện xã hội hóa theo dạng tài trợ đột xuất sẽ không phải báo cáo. Dạng tài trợ này không có trong quy định của Thông tư 16. Cụ thể, phụ huynh hay doanh nghiệp có nhu cầu tài trợ cho trường sẽ làm hồ sơ. Hồ sơ sẽ gồm đơn và nội dung tài trợ. Về phía trường sẽ có phương án sử dụng và tài sản sau khi được tài trợ sẽ trở thành tài sản của Nhà nước” - vị này chia sẻ thêm.
Tương tự, hiệu trưởng một trường THCS tại quận ngoại thành cho biết Thông tư 16 của Bộ GD&ĐT cho phép các trường vận động tài trợ. Tuy nhiên, để có thể thực hiện đúng theo thông tư sẽ gây khó cho các trường và rất mất thời gian trong cách thực hiện.
“Do đó, tại trường của tôi, tôi không thực hiện vận động tài trợ của phụ huynh theo thông tư này” - vị này bộc bạch.
Các khoản ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp
Theo Thông tư 16/2018 của Bộ GD&ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, việc tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo.
-------
Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh như bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
(Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT về ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ HS)