Dược Cửu Long vẫn phải bồi thường cho Bộ Y tế 58 tỉ đồng

(PLO)- Tòa phúc thẩm bác kháng cáo của Dược Cửu Long, xác định công ty vẫn phải bồi thường 58 tỉ đồng, không có việc thu hồi cổ tức để trả cho Bộ Y tế. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-3, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm, xét đơn kháng cáo của các bị cáo, bị đơn dân sự, người liên quan trong vụ thất thoát 3,8 triệu USD xảy ra Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long (mã chứng khoán DCL).

Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.

Đình chỉ xét xử đối với cựu Tổng giám đốc Dược Cửu Long

Theo bản án sơ thẩm, từ năm 2006-2008, mặc dù Dược phẩm Cửu Long được giảm giá mua nguyên liệu nhưng ông Lương Văn Hóa (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc) đã chỉ đạo đồng phạm hạch toán kế toán trái quy định, lập thư giãn nợ, hợp thức hồ sơ thanh toán, báo cáo sai sự thật với Bộ Y tế, che giấu việc giảm giá mua nguyên liệu, nhằm giữ lại số tiền hơn 3,8 triệu USD để sử dụng tại Công ty, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang biết Dược phẩm Cửu Long chưa thanh toán số tiền hơn 3,8 triệu USD mua nguyên liệu nhưng không chỉ đạo tiếp tục kiểm tra, làm rõ, dẫn đến thiệt hại cho Nhà nước.

Với hành vi trên, tòa sơ thẩm tuyên phạt ông Cao Minh Quang 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng tội danh trên, các bị cáo khác bị phạt từ 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 30 tháng tù giam.

Ở nhóm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, ông Hóa lãnh 9 năm tù, Nguyễn Văn Thanh Hải (cựu kế toán trưởng) 6 năm tù; Ngô Hữu Hiếu Nghĩa (cựu Giám đốc chi nhánh TP.HCM, kiêm Giám đốc điều hành phòng xuất nhập khẩu thuộc Dược Cửu Long) 5 năm tù.

Sau phiên tòa sơ thẩm, có 3 bị cáo kháng cáo xin giảm án gồm ông Lương Văn Hóa, Nguyễn Văn Thanh Hải và Nguyễn Nam Liên (cựu Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Quản lý thực hiện kế hoạch phòng chống dịch cúm A (H5N1) - Bộ Y tế).

Quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm, ngày 7-3-2023, Trại tạm giam T16 Bộ Công an có Báo cáo về việc ông Lương Văn Hóa đã chết ngày 6-3-2023 tại Bệnh viện Bạch Mai do viêm phổi sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, K biểu mô di căn hạch theo dõi nguồn gốc từ phổi.

Vì vậy, tòa phúc thẩm đình chỉ giải quyết vụ án đối với ông Hóa.

Đối với các bị cáo Hải, Liên đã khắc phục hậu quả nên xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt, tuyên Hải 5 năm tù (giảm 1 năm tù), Liên 15 tháng tù (giảm 9 tháng tù).

Gia đình bị cáo Nghĩa và Hải đề nghị giải tỏa các tài sản kê biên… Tòa phúc thẩm xác định, việc tòa sơ thẩm tuyên áp dụng các biện pháp tư pháp, kê biên các tài sản nhằm đảm bảo thi hành án để đảm bảo cho quyền lợi của Dược Cửu Long là có căn cứ. Do đó, không chấp nhận yêu cầu của các bên liên quan.

Cổ đông có phải trả lại cổ tức?

Về trách nhiệm dân sự, án sơ thẩm tuyên buộc Dược phẩm Cửu Long phải bồi thường cho Bộ Y tế 3,8 triệu USD. Đối trừ số tiền các bị cáo đã nộp khắc phục hậu quả thì Dược Cửu Long còn phải bồi thường hơn 58 tỉ đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Dược Cửu Long đề nghị HĐXX buộc các bị cáo và người liên quan (các thành viên HĐQT cùng các cổ đông đã hưởng thù lao, cổ tức từ nguồn tiền hạch toán giảm giá vốn trong thời gian từ năm 2006 - 2008) liên đới bồi thường, hoàn trả toàn bộ số tiền hơn 3,8 triệu USD cho Bộ Y tế.

Trong đó, SCIC được chia hơn 12,3 tỉ đồng; các cổ đông khác là hơn 15,2 tỉ đồng cổ tức.

Công ty đề nghị áp dụng Điều 94 Luật Doanh nghiệp 2005 để điều chỉnh quan hệ bồi thường: trường hợp trả cổ tức trái quy định thì các cổ đông phải hoàn trả cho công ty số tiền, tài sản khác đã nhận; trừ trường hợp cổ đông không hoàn trả được cho công ty thì cổ đông và tất cả thành viên HĐQT phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ…

Theo Dược Cửu Long, các bị cáo thực hiện hành vi trái pháp luật phục vụ lợi ích nhóm, không được coi là thực hiện nhiệm vụ của pháp nhân giao.

Tuy nhiên, VKS cho rằng thiệt hại do cá nhân thực hiện nhiệm vụ do pháp nhân giao thì pháp nhân phải bồi thường. Công ty có quyền yêu cầu các bị cáo, người liên quan trả lại tiền, giành quyền khởi kiện cho công ty bằng vụ kiện dân sự khác.

Sau khi xem xét, HĐXX phúc thẩm cho rằng thông qua sự chỉ đạo của ông Hóa, các bị cáo đã hạch toán giảm giá vốn 3,8 triệu USD cho hoạt động công ty, đưa số tiền vào các hoạt động kinh doanh. Còn việc chia cổ tức là dựa vào hoạt động kinh doanh của công ty. Vì vậy, tòa phúc thẩm bác kháng cáo của Dược Cửu Long, công ty vẫn phải bồi thường 58 tỉ đồng.

Dược Cửu Long có vốn điều lệ hơn 730 tỉ đồng, ngành nghề chính là sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trực tiếp dược phẩm.

Theo Báo cáo tài chính quý IV/2022, công ty đạt doanh thu thuần 1.016 tỉ đồng, tăng 44% so với năm 2021. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 141,5 tỉ đồng, tăng 28% so với năm 2021.

Hiện giá cổ phiếu DCL trên sàn HOSE vào khoảng 23.000 đồng/cổ phiếu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm