Dưới điểm “sàn” vẫn ung dung vào ĐH

Nhiều thí sinh có điểm thi ĐH, CĐ dưới các mức điểm xét tuyển cơ bản (xin gọi ngắn là điểm “sàn”) đang thất vọng thì nay thắp lên hy vọng khi có hàng chục trường ĐH ngoài công lập thông báo xét tuyển ĐH chỉ căn cứ vào kết quả học bạ bậc THPT, không cần biết trước đó các thí sinh này có đăng ký xét tuyển vào các trường này trong hồ sơ đăng ký dự thi hay không.

8, 9 điểm vẫn vào được ĐH

Các mức điểm “sàn” mà Bộ GD&ĐT đưa ra năm nay là 13 điểm đối với thí sinh thi khối A, A1, C, D và 14 điểm đối với khối B. Tuy nhiên, nhiều thí sinh có điểm thi dưới điểm “sàn”, thậm chí có thí sinh chỉ đạt 8, 9 điểm vẫn được các trường ĐH tuyển sinh riêng nhận vào. Các trường này xét tuyển không căn cứ vào điểm “sàn” mà chỉ căn cứ vào kết quả học bạ THPT. Hầu hết thí sinh có điểm trung bình cuối năm lớp 12 từ 6,0 trở lên là vượt qua xét tuyển. Số điểm này không quá khó với hầu hết thí sinh.

Hiện có hàng chục trường tuyển sinh riêng công bố chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung với hàng chục ngàn chỉ tiêu. Như vậy sẽ có hàng chục ngàn thí sinh dưới “sàn” vẫn được vào ĐH.

 
Thí sinh điều chỉnh những sai sót trong hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2014. Ảnh: P.ĐIỀN

Hiện có dư luận cho rằng các trường tuyển sinh riêng làm sai luật. Theo Thông tư 06/2014 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, các trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh dự thi kỳ thi ba chung “có kết quả thi đáp ứng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định”. Điều này có nghĩa các trường tuyển sinh riêng tuyển các thí sinh dưới “sàn” là trái luật.

Tuy nhiên, các trường tuyển sinh riêng nói họ làm đúng luật: Họ xét học bạ theo đề án tuyển sinh riêng đã được Bộ GD&ĐT duyệt. Về việc này, theo hướng dẫn của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), các thí sinh muốn tham gia xét tuyển vào trường tuyển sinh riêng phải khai vào phiếu đăng ký dự thi tên trường có nguyện vọng học và bổ sung hồ sơ (nếu thiếu) đến trước cuối tháng 6-2014. Tuy nhiên, dư luận cho rằng trước đó các thí sinh không hề đăng ký xét tuyển nhưng đều được các trường nhận vào!

Khó kiểm tra

Vậy làm sao nhận biết trường nào làm sai quy định? Một chuyên gia về tuyển sinh (không muốn nêu tên) cho biết việc xác định trường làm sai là rất khó vì trường nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh không đăng ký trước đó, sau đó ghi lùi thời gian đăng ký vào trước tháng 6-2014 là xong, thanh tra có đến làm việc cũng “bó tay”.

PVPháp Luật TP.HCMđã đến một số trường có tuyển sinh riêng tìm hiểu. Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, TS Nguyễn Phương, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết tùy theo ngành nghề mà chỉ tiêu xét tuyển theo đề án riêng (xét học bạ) dao động từ 10% đến 20% tổng chỉ tiêu. Hiện trường đã tuyển đủ thí sinh theo đề án tuyển sinh riêng. PV đặt câu hỏi liệu có trường hợp thí sinh đã thi rớt ba chung, trước đó không đăng ký hồ sơ xét tuyển riêng mà vẫn được xét tuyển vào trường không, TS Phương khẳng định hoàn toàn không có trường hợp nào như vậy, vì đây là việc làm vi phạm quy chế tuyển sinh.

Tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (Hutech), ông Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn, tuyển sinh, truyền thông, cho biết trường xét tuyển theo đề án riêng, rải đều ở 34 ngành với 1.200 chỉ tiêu. Hiện hồ sơ đăng ký xét tuyển đã khá nhiều, dự kiến đến ngày 15-9 sẽ kết thúc việc xét tuyển. Ông Anh cũng khẳng định các hồ sơ thí sinh đều đã đăng ký xét tuyển riêng vào trường trước đó.

Tương tự, đại diện tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết trường chỉ xét tuyển những thí sinh đã đăng ký hồ sơ tuyển sinh riêng trước đó theo đúng quy định.

PHONG ĐIỀN

Sẽ thanh tra cam kết đảm bảo chất lượng đầu vào

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết trong mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014 có 62 trường thực hiện theo đề án tuyển sinh riêng đã được Bộ phê duyệt. Trong số này, đa số các trường chọn hình thức vừa xét tuyển từ kết quả thi “ba chung” và xét tuyển riêng dựa trên kết quả học tập THPT. “Để đảm bảo chất lượng đối với những trường tuyển sinh riêng, trong đề án Bộ có yêu cầu công bố ngưỡng chất lượng đầu vào. Đây là yêu cầu bắt buộc”  - ông Ga nói.

Trả lời câu hỏi Bộ GD&ĐT phải chăng muốn nới lỏng đầu vào nhằm giúp các trường “tốp dưới” lấp đầy chỉ tiêu, Thứ trưởng Ga nói thay đổi cơ chế tuyển sinh không phải để giúp các trường khó khăn lấp đầy chỉ tiêu, bởi điều này còn phụ thuộc vào nhiều thứ, trong đó có uy tín của nhà trường. “Năm vừa rồi có nhiều em có điểm trên “sàn” nhưng không muốn vào các trường đó” - ông Ga nói.

Về việc các trường tuyển sinh riêng có vi phạm quy chế tuyển sinh không khi nhận thí sinh có điểm dưới “sàn”, ông Ga cho biết các trường tuyển sinh riêng phải báo cáo kết quả sau khi kết thúc tuyển sinh theo quy định của quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ. Ngoài ra Bộ sẽ thành lập các tổ thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra cam kết đảm bảo chất lượng đầu vào ở các trường này.

NGỌC BẢO

Gây khó cho trường CĐ

ThS Nguyễn Hoàng Anh, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ thông tin Ispace, cho biết: So với thời điểm cùng kỳ, trường đã tuyển sinh được một lượng thí sinh khá ổn định để bước vào ngày khai giảng năm học mới, còn năm nay lượng thí sinh đăng ký xét tuyển khá chậm. Về nguyên nhân, ông Anh cho rằng do khâu tuyển sinh ĐH năm nay có hình thức xét tuyển học bạ khiến công tác tuyển sinh các trường CĐ, trường nghề đã khó càng khó hơn.

Hiệu lực pháp lý chưa nhất quán

Nhận định về hiện tượng các thí sinh có điểm dưới “sàn” rớt ĐH, nay lại trúng tuyển vào các trường ĐH có đề án tuyển sinh riêng, GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng điều này trong thực tế rất lấn cấn về mặt bằng tuyển sinh giữa các trường. “Năm nay chúng ta nhất trí quan điểm là có điểm “sàn” để giới hạn mức tối thiểu cho thí sinh vào ĐH. Như vậy đối chiếu trường thi ba chung thì không có hiệu lực pháp lý nhất quán” - GS-TS Mai Hồng Quỳ nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm