TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI QUỐC HỘI:

Đường đắt nhất hành tinh và trần tình của Bộ trưởng Thăng

 Đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa (Hà Nội)

Trong phần trả lời, Bộ trưởng Thăng đã dành nhiều thời gian giải thích cho câu hỏi về "con đường đắt nhất hành tinh" Kim Liên-Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội) của ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam).

Theo số liệu mà Bộ trưởng Thăng đưa ra, toàn bộ đoạn đường Kim Liên-Ô Chợ Dừa có tổng chiều dài 520m, nhưng kinh phí giải phóng mặt bằng đã lên tới 825 tỉ đồng, chiếm 85% tổng mức đầu tư. "Chi phí xây dựng đường các nơi tương đối như nhau chứ không phải là làm con đường đấy là đắt nhất hành tinh", Bộ trưởng Thăng khẳng định.

"Chi phí cao là do con đường đó đi qua một khu dân cư đông đúc, cho nên chỉ riêng tiền giải phóng mặt bằng thôi đã chiếm tới 85% tổng mức đầu tư rồi. Rất mong ĐB Minh giúp cho Bộ Giao thông Vận tải có thêm số liệu để có điều kiện so sánh", Bộ trưởng Thăng tiếp lời.

Về câu hỏi liên quan đến chất lượng, tiến độ công trình, suất đầu tư... Bộ trưởng Thăng cũng trần tình: "Chi phí đầu tư đắt hay rẻ là sự so sánh rất khó. Ví dụ hai căn nhà làm quy mô giống nhau hoàn toàn, nằm cạnh nhau, thi công cùng một lúc. Tuy nhiên tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế khác nhau thì giá thành cũng khác nhau rồi". 

"Thêm nữa, một bên thiết kế không động đất. Một bên thiết kế chịu đựng được động đất cấp 7, cấp 8 thì rõ ràng là giá thành của công trình cũng khác nhau. Do đó, việc so sánh giá thành, chất lượng giữa các công trình khác nhau là hết sức khó khăn", Bộ trưởng Thăng nói thêm.

Về vấn đề  giảm kinh phí đầu tư tại một số dự án, ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) chất vấn: Liệu việc cắt kinh phí như vậy có đảm bảo được chất lượng công trình hay không? Bộ trưởng Thăng đã khẳng định: Theo Nghị quyết 11 của Chính phủ về thắt chặt và cắt giảm đầu tư công, Bộ Giao thông Vận tải đã rà soát 44 dự án với kinh phí chiết giảm là hơn 39.000 tỉ đồng. "Đây là chiết giảm chứ không phải tiết kiệm", Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.

Đơn cử, đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai đoạn từ Nội Bài lên Yên Bái có bốn làn xe. Đoạn từ Yên Bái lên Lào Cai là hai làn xe, nhưng nền đường và các điều kiện hạ tầng đều đã chuẩn bị cho bốn làn xe. "Tuy nhiên theo tính toán lưu lượng chưa cần thiết đến mức phải bốn làn xe, do đó chỉ đầu tư trước hai làn. Sau này khi lưu lượng xe tăng lên thì tiếp tục đầu tư, như vậy phù hợp hơn", Bộ trưởng Thăng giải thích.

Tiếp đó là ví dụ cụ thể về tuyến đường Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Theo Bộ trưởng Thăng, tuyến đường này được thiết kế đường cao tốc thiết kế là từ 100-120 km/giờ. Nhưng với điều kiện địa hình, địa chất của đoạn Đà Nẵng-Quảng Ngãi mà thiết kế để nguyên như vậy thì chi phí rất đắt trong khi cũng chưa cần đến mức độ cần phải thiết kế như vậy. "Chúng tôi sẽ điều chỉnh lại thiết kế với quy mô, tốc độ từ 80 đến 100 km/giờ thì cũng sẽ giảm tổng mức đầu tư đi. Tôi nói ví dụ về tiêu chuẩn kỹ thuật là như vậy", Bộ trưởng Thăng cho biết thêm.

Riêng về thắc mắc của ĐB là dự toán sai hay lãng phí thì ai chịu trách nhiệm? Bộ trưởng Thăng cho rằng vấn đề này không thể xử lý kỷ luật được vì đây là do chủ trương đầu tư. 

"Ví dụ như cầu Cổ Chiên ở ĐBSCL trước đây có chủ trương là làm cầu dây văng, nhưng do cắt giảm thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ thì không có tiền để làm. Do vậy chúng tôi đã chuyển từ cầu dây văng thành cầu bê tông, đồng thời điều chỉnh các biện pháp kỹ thuật thì giảm được 900 tỉ đồng. Trước kia nó hơn 2.000 tỉ đồng, giảm 900 tỉ như vậy chỉ còn 1.700 tỉ thực hiện theo hình thức BOT", Bộ trưởng Thăng đưa ví dụ cụ thể và một lần nữa khẳng định: Việc thay đổi chủ trương đầu tư là do chủ trương của những người quyết định đầu tư chứ không phải do trước đây quyết định sai hay có gì đó khuất tất mà phải xử lý kỷ luật.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Thăng đã trả lời các câu hỏi khá chất lượng, đi thẳng vào vấn đề và giải thích cặn kẽ được các giải pháp. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý với Bộ trưởng Thăng: Nói cần phải đi đôi với làm và đã hứa thì phải thực hiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm