Quảng trường Nguyễn Huệ nằm đối diện UBND TP HCM. Mỗi ngày thu hút hàng nghìn người đến vui chơi, nhất là về đêm, cuối tuần và dịp lễ hội. Là tuyến phố đẹp nhất TP HCM nhưng ít người biết khu này khởi thủy là con kênh dẫn nước từ sông Sài Gòn vào thành Gia Định (còn gọi thành Bát Quái) do Nguyễn Ánh xây dựng năm 1790.
Quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ hiện nay. Ảnh: Hữu Công. |
Mặt Nam của thành Bát Quái có hai cửa Càn Nguyên và Ly Minh nằm trên đường Lê Thánh Tôn ngày nay và hướng ra sông Sài Gòn. Để thuyền bè vào tận thành, một con kênh đào được hình thành mang tên Kinh Lớn bắt đầu từ bến Bạch Đằng chạy thẳng đến trước cổng UBND thành phố hiện nay.
Ngoài tên Kinh Lớn do chính quyền đặt, người dân lúc bấy giờ còn gọi khu vực này là Chợ Vải do dọc mé kênh có nhiều Hoa kiều tập trung bán vải vóc. Đối với người Pháp, con kênh này có tên Grand.
Sau khi Pháp chiếm được Sài Gòn, năm 1861, đô đốc Charner ban hành quy định giới hạn địa phận thành phố. Kinh Lớn được đổi tên thành kênh đào Charner, hai bên bờ kênh là con đường chạy song song mang tên Rigault de Genouilly và Charner (nằm phía khách sạn Palace hiện nay). Đường Charner còn được gọi bằng Canton do có đa số người Hoa vùng Quảng Đông tập trung buôn bán.
Kênh Chợ Vải, Kinh Lớn hay kênh Grand lúc chưa có tòa nhà UBND TP hiện tại. Lúc này cũng chưa có nhà thờ Đức Bà. Ảnh:Flickr |
Kênh đào Charner có lưu lượng hàng hóa vận chuyển tấp nập nên sau thời gian bị ô nhiễm nặng. Năm 1877, người Pháp cho lấp kênh đào và sáp nhập con đường ở hai bờ thành đại lộ Charner. Đại lộ Charner một đầu là Dinh Đốc Lý (nay là trụ sở UBND thành phố) và đầu kia là sông Sài Gòn. Không gọi theo tên Pháp đặt, người Sài Gòn gọi bằng cái tên dân gian là đường Kinh Lấp.
Sau nhiều biến thiên lịch sử, năm 1956, đại lộ Charner được đổi tên thành Nguyễn Huệ – một trong những con đường đẹp nhất của "Hòn Ngọc Viễn Đông". Năm 1960, mỗi khi xuân về, đường Nguyễn Huệ xuất hiện chợ hoa. Theo tàu thuyền miền Tây, hoa từ khắp nơi về tập kết ở bến Bạch Đằng, trên bờ và trải dài trên đại lộ.
Người ta đến đây không chỉ để mua hoa mà còn là ngắm, thưởng ngoạn và tận hưởng cái hương vị đặc trưng của chợ hoa Tết. Mặc dù chỉ họp chợ duy nhất một lần trong năm, nhưng chợ hoa Nguyễn Huệ cùng với chợ chim Huỳnh Thúc Kháng đã trở thành nơi vui xuân nổi tiếng của Sài Gòn.
Trước 1975, Nguyễn Huệ trở thành con đường sầm uất, đầy màu sắc. Nơi đây tập trung nhiều nhà hàng, khách sạn và là tụ điểm ăn chơi của giới thượng lưu cùng binh lính Mỹ. Cuối thập niên 90, vì lý do trật tự tại trung tâm thành phố nên chợ hoa Nguyễn Huệ chuyển sang công viên 23/9 khiến nhiều người tiếc nuối.
Đường Nguyễn Huệ trước năm 1975. Ảnh:Flickr |
Năm 2004, chợ hoa trở lại đường Nguyễn Huệ với diện mạo mới. Nơi đây không còn chức năng mua bán mà đơn thuần là nơi hoa trái được bày biện, sắp đặt công phu cho khách du xuân thưởng ngoạn. Chợ hoa chính thức đổi tên thành đường hoa Nguyễn Huệ.
Mỗi năm, đường hoa sẽ có một chủ đề mới để tái hiện văn hóa dân gian qua nếp sống làng quê với ao sen và vó câu, dòng kênh và cầu khỉ, đường làng và xe thổ mộ, những gánh hàng hoa mang phong cách Nam Bộ. Những cánh đồng lúa và nương bắp xanh tươi… đem lại cho du khách cảm giác thích thú mà ấm áp, mới lạ mà thân quen.
Hồi tháng 4, TP HCM khánh thành công trình quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ có tổng kinh phí 430 tỷ đồng, được đưa vào vận hành với chiều dài 670 m, rộng 64 m. Toàn bộ trục đường từ trụ sở UBND thành phố đến Bến Bạch Đằng được lát đá granite với 2 đài phun nước và hệ thống cây xanh.
Bên dưới quảng trường có hệ thống ngầm gồm trung tâm theo dõi, trung tâm điều khiển nhạc nước, ánh sáng, hệ thống nhà vệ sinh hiện đại… Mỗi ngày có hàng nghìn lượt người đến tham quan, vui chơi, chụp ảnh tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Ngày 17/5, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh – điểm nhấn cho toàn bộ công trình quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ - đã được khánh thành mừng kỷ niệm 125 ngày sinh của Bác.
Trải qua hơn 200 năm hình thành và phát triển, đường Nguyễn Huệ đã biến đổi từng bước theo thời cuộc và cho đến ngày nay nó vẫn là con đường đẹp nhất và hiện đại nhất của Sài Gòn hoa lệ.