Đường sắt cao tốc Bắc - Nam rút ngắn được 4 km so với phương án năm 2019

(PLO)- Đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam là một chủ trương lớn, được chuẩn bị hơn 10 năm qua. Vẫn đảm bảo được mục tiêu, các điểm đến, ga đón khách, nhưng giảm được chiều dài bao nhiêu sẽ tiết kiệm bấy nhiêu nguồn lực quốc gia.

Chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam (tên gọi chính thức là đường sắt tốc độ cao) đang được Chính phủ chuẩn bị để trình Quốc hội quyết định trong kỳ họp tháng 10 này đã có một số cập nhật so với phương án 2019. Một trong những điểm đáng chú ý là sau khi rà soát hướng tuyến đã trình năm 2019, Liên danh Tư vấn TEDI-TRICC-TEDIS đã rút ngắn được chiều dài toàn tuyến đi 4km.

Để rút ngắn dù chỉ một chút như vậy, các ga tại 20 tỉnh, thành phố mà đoàn tàu cao tốc đi qua phải cân chỉnh vị trí, không chỉ để toàn tuyến ngắn hơn, mà còn phải đảm bảo các điều kiện kỹ thuật cũng như tầm nhìn quy hoạch phát triển kinh tế của từng địa phương.

Điểm đầu của đường sắt cao tốc Bắc - Nam là ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối là ga Thủ Thiêm (TP.HCM).

Ngoài Bắc, đoàn tàu từ Hà Nội sẽ đi qua các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình rồi tới Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Sau khi vượt đèo Hải Vân vào địa phận Đà Nẵng, hướng tuyến men theo lưu vực sông Cu Đê, đi cùng hành lang, chạy song song về phía Đông đường bộ cao tốc. Vị trí ga đặt tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, khu vực phía Bắc nút giao giữa đường Bà Nà - Suối Mơ với đường bộ cao tốc. Sau khu vực nhà ga, hướng tuyến vẫn bám theo đường bộ cao tốc, đi kẹp giữa đường bộ cao tốc và đường sắt hiện tại sang địa phận tỉnh Quảng Nam.

Việt Nam dự kiến đầu tư tuyến đường sắt cao tốc trong 9 năm. Ảnh minh hoạ sử dụng công nghệ AI - Ảnh: VĂN HẢI

Đoạn Quảng Nam - Quảng Ngãi, hướng tuyến đi gần song song về phía Đông tuyến đường sắt hiện tại và đường bộ cao tốc. Vị trí ga Tam Kỳ đặt tại phía Tây, gần tuyến tránh thành phố Tam Kỳ.

Trên địa phận tỉnh Quảng Nam còn bố trí ga hàng hóa Chu Lai tại khu vực giáp ranh xã Tam Hiệp và xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, gần đường ĐT.617. Nhà ga này sẽ phục vụ kết nối với khu vực sân bay Chu Lai, các cảng biển Kỳ Hà, Dung Quất. Sau đó tuyến cơ bản đi về phía Tây đường bộ cao tốc, qua khu vực Dốc Sỏi vào địa phận tỉnh Quảng Ngãi.

Tiếp đó, tuyến vẫn đi theo hướng đường bộ cao tốc hiện tại đi về phía thành phố Quảng Ngãi. Ga Quảng Ngãi đặt tại khu vực phía Tây thành phố, gần trục đường Hoàng Hoa Thám. Từ ga Quảng Ngãi, tuyến chạy cơ bản song song về phía tây đường sắt hiện tại trên địa phận huyện Nghĩa Hành, vượt sông Vệ tại vị trí cách cầu sông Vệ của đường sắt hiện tại khoảng 2km về phía thượng lưu. Phạm vi huyện Mộ Đức và Đức Phổ, tuyến chạy giữa đường sắt hiện tại và đường bộ cao tốc. Cuối địa phận thị trấn Đức Phổ, tuyến vượt đường bộ cao tốc, đi về phía Tây vượt đèo Bình Đê và sang địa phận tỉnh Bình Định.

Từ ranh giới với tỉnh Bình Định, tuyến đi cùng hành lang về phía Tây đường bộ cao tốc đến khu vực ga Bồng Sơn, thuộc địa phận xã Hoài Tân và thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn. Sau đó tuyến đường sắt vượt qua đường bộ cao tốc, đi về phía thành phố Quy Nhơn. Vị trí ga Diêu Trì đặt tại khu vực xã Phước An, huyện Tuy Phước, sau đó vượt đèo Cù Mông sang địa phận tỉnh Phú Yên. Tuyến tiếp tục đi về phía Tây đường bộ cao tốc, đến thị xã Sông Cầu, tuyến đi về phía Đông đường bộ cao tốc.

Thời gian chạy tàu nhanh nhất từ Hà Nội - TP.HCM dự kiến mất 5,3 giờ. Ảnh: V.LONG

Từ khu vực Cà Ná (Ninh Thuận), tuyến cơ bản đi chung hành lang về phía Đông của đường bộ cao tốc, đi về vị trí ga Phan Rí đặt tại xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình, cách trung tâm thị xã Phan Rí Cửa khoảng 5km.

Tiếp theo, tuyến vượt sông Lũy, đi về phía Bắc dự án điện mặt trời Bình Tân 1 và 2, đi về phía Tây núi Tà Zon, đi song song về phía Đông đường sắt hiện tại về ga Mương Mán thuộc xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đặt cách ga Mương Mán hiện tại khoảng 0,4km, cách trung tâm thành phố Phan Thiết khoảng 13,2km. Tiếp đó, tuyến đi song song về phía Đông đường sắt hiện tại, đi về phía Bắc thị trấn Tân Minh, qua phía Bắc khu công nghiệp Tân Đức và đi về phía tỉnh Đồng Nai.

Sau khi hoàn thành xây dựng, dự án đường sắt cao tốc dự kiến vận hành 85 đoàn tàu. Ảnh: V.LONG

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tuyến cơ bản đi chung hành lang về phía Đông tuyến đường bộ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Đến địa phận huyện Cẩm Mỹ, tuyến rẽ trái đi vào đường trục trung tâm sân bay quốc tế Long Thành, bố trí thêm nhánh rẽ phải đi dọc theo đường Vành đai 4 lên phía Bắc để kết nối với ga Trảng Bom phục vụ trung chuyển hàng hóa.

Ga hành khách Long Thành đặt tại khu vực trung tâm sân bay thuộc xã Bình Sơn, huyện Long Thành. Sau đó tuyến đi về phía Nam, dọc theo hành lang tuyến đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây để về ga Thủ Thiêm là ga cuối của dự án.

Bộ GTVT dự kiến, năm 2033, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam khai thác trước đoạn tuyến Ngọc Hồi - Vinh, Nha Trang - Thủ Thiêm với 18 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu chỉ khai thác 8 toa, với sức chứa 610 hành khách/đoàn tàu.

Sau khi hoàn chỉnh toàn bộ dự án vào năm 2035 sẽ đầu tư thêm tàu và mỗi đoàn tàu sẽ có tới 16 toa, với sức chứa 1.220 hành khách/đoàn tàu. Nhu cầu đoàn tàu khai thác trên khu đoạn lớn nhất khoảng 57 chuyến/ngày/hướng và tăng lên nhanh chóng 101 chuyến/ngày/hướng vào năm 2050.

Ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường sắt cho biết trên hành trình Bắc – Nam, dự án sẽ bố trí 23 ga hành khách, cự ly trung bình giữa các ga khoảng 67km. “Đây là cự ly phù hợp với vận tốc thiết kế 350km/h, phù hợp với điều kiện thực tiễn các địa phương và kinh nghiệm thế giới”- ông Phương nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới