Tại cuộc họp báo của UBND Hà Nội chiều nay, 3-10, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa đã thông tin với báo chí về các giải pháp khắc phục tình trạng cứ mưa lớn là xảy ra ngập lụt tại một số xã của huyện Chương Mỹ - rốn lũ của Hà Nội.
Ông Hoa cho hay, huyện Chương Mỹ là một trong những địa phương nằm trong lưu vực sông Tích, sông Bùi, sông Đáy. Các con sông này có đặc điểm lòng sông hẹp, nhiều năm không được nạo vét khơi thông.
Một số làng xã ven sông của huyện Chương Mỹ nằm ở vùng trũng thấp, có nơi thấp hơn so với mặt sông 8 m, dẫn đến cứ mưa là ngập. “Người dân định cư, sinh sống ở các khu vực này hàng nghìn năm nay. Mỗi lần có lũ rừng ngang mạn Hoà Bình, Ba Vì về nước sông dâng cao, gây ngập úng, ảnh hưởng đến đời sống bà con nhân dân, gây thiệt hại cho mùa màng, chăn nuôi…” - ông Hòa nói.
Năm nay, nhiều xã ở Chương Mỹ đã hai lần chịu ngập lụt lớn. Gần nhất là do bão số 3, đến nay đã qua gần một tháng, khoảng 3.000 người dân vẫn phải sơ tán, chưa được về nhà vì ngập lụt.
Trước thực trạng trên, Sở NN&PTNT đã có báo cáo với UBND thành phố để tính toán các giải pháp căn cơ, chống ngập lụt cho khu vực này.
“Chúng tôi đang triển khai giải pháp kè hai bên bờ sông Tích trên khu vực huyện Ba Vì. Còn về lâu dài, thành phố sẽ báo cáo Chính phủ để nghiên cứu giải pháp bố trí lại dân cư vùng vực lưu vực hai sông Tích, sông Bùi. Đồng thời quan tâm đầu tư thích đáng để nâng cấp hệ thống đê điều, đảm bảo tiêu chí thiết kế theo quy hoạch” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội nói.
Các phương án thoát lũ rừng ngang cũng đang được tính đến, mà trước mắt là xây dựng, củng cố đê dọc hai bên bờ trục tiêu. Triển khai nạo vét, giải toả vật cản đảm bảo tiêu thoát lũ nhanh hơn, phòng tránh sạt lở. Xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo lũ sớm. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh liên quan dọc sông Đáy, sông Bùi, sông Tích... để điều tiết, phân lũ.
"Tất cả những khó khăn nêu trên Hà Nội đã cập nhật báo cáo với Chính phủ. Đây là một trong các nội dung quy hoạch phòng chống lụt bão Thủ đô, được tích hợp trong quy hoạch vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và hoà trong quy hoạch Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn tới năm 2065.
Khi Chính phủ phê duyệt, sẽ tích hợp với phòng chống lũ lụt trên địa bàn các địa phương trong đó có Chương Mỹ, từ đó quan tâm đầu tư, hạn chế tối đa nhất ảnh hưởng đời sống người dân khu vực lũ rừng ngang..." - ông Hoa nói.