Lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) vừa cho biết đang tạm hoãn việc vận hành thử toàn hệ thống tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Nguyên nhân, tổng thầu EPC (Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) chưa xây dựng phương án an toàn cho dự án.
Trước đó tổng thầu EPC khẳng định sẽ bàn giao dự án trong năm 2019. Ảnh: VIẾT LONG
Cơ quan này cũng cho rằng đường sắt đô thị là loại hình hoàn toàn mới đối với Việt Nam, nhiều công nghệ lần đầu tiên tiếp nhận, các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho đường sắt đô thị vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Vì vậy, bắt buộc phải có phương án an toàn khai thác do tổng thầu EPC xây dựng để làm căn cứ giám sát, nghiệm thu, quy trách nhiệm…
“Không vì tiến độ mà chúng ta bỏ qua vấn đề an toàn” - lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt khẳng định. Do đó chủ đầu tư yêu cầu tổng thầu EPC hoàn thiện phương án an toàn, sau đó mới cho chạy thử toàn hệ thống trong 20 ngày. Thời gian chạy thử này, đơn vị kiểm định độc lập (Công ty Tư vấn ACT của Pháp) sẽ tiếp tục đánh giá để làm cơ sở tiến tới nghiệm thu dự án và bàn giao cho TP Hà Nội.
Về mốc thời gian khai thác thương mại, Ban quản lý dự án đường sắt cũng chưa thể khẳng định. Tuy nhiên, gần như chắc chắn dự án không thể vận hành trong năm 2019.
Trong thời gian dự án kéo dài, tổng thầu EPC vẫn phải bố trí nhân sự tại dự án và chịu trách nhiệm trả lương. Việt Nam không phải chi thêm phần chi phí này, do đây là hợp đồng trọn gói.
“Để đẩy nhanh dự án, Bộ GTVT sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan ngoại giao Trung Quốc nhằm thúc tổng thầu EPC đẩy nhanh tiến độ và thực hiện theo đúng các quy định của Việt Nam…” - Ban quản lý dự án đường sắt thông tin.
Được biết hiện hai tuần/lần, Bộ GTVT họp với Tham tán Công sứ thương mại (Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam) để kiểm điểm tình hình thực hiện dự án. Qua đó đôn đốc, chỉ đạo tổng thầu và các bên liên quan thực hiện.
Liên quan đến dự án này, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, khẳng định sẵn sàng tiếp nhận dự án để khai thác. Hiện đơn vị đã thuê chuyên gia nước ngoài nhằm thực hiện giám sát vận hành và chuyển giao công nghệ trong một năm đầu khai thác…
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10-2008, với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỉ đồng (tương đương 552 triệu USD). Quá trình thực hiện, dự án được điều chỉnh tăng lên 18.000 tỉ đồng (tương đương 868 triệu USD). Dự án có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5 km (từ Cát Linh đi Hà Đông), với 12 nhà ga trên cao; có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu có bốn toa, tần suất khai thác 3-5 phút/chuyến với vận tốc thiết kế tối đa 80 km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35 km/giờ. Sau nhiều lần lỡ hẹn, dự án vẫn tiếp tục chưa hẹn ngày về đích. Lỗi chủ yếu, theo Bộ GTVT, là do tổng thầu Trung Quốc không thực hiện đúng các cam kết và chỉ đạo của Bộ GTVT. |