Ngày 27-4, sau nhiều tháng phải hoãn vì dịch COVID-19, TAND thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu đã đưa ra xét xử bị cáo Nguyễn Trọng Hiệp (41 tuổi, nhân viên lái xe của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thiên Định Vũng Tàu) về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Bị hại trong vụ án là hai em Trần Minh Lực và Trần Thị Hồng (sinh năm 2004). Trong đó, em Hồng bị thương rất nặng, phải cắt một bên chân trái, bàn chân phải biến dạng dù đã được phẫu thuật, tỉ lệ thương tật tới 87%...
Em Trần Thị Hồng tại phiên xử hôm 27-4. Ảnh: TK |
Mong được lắp chân giả để tự lo tương lai sau này
Gần hai năm kể từ ngày xảy ra tai nạn (tháng 5-2020), em Lực bị thương nhẹ nên được đến trường và chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT.
Còn đối với Hồng, đây có lẽ là quãng thời gian mà em khó có thể quên. Em phải nghỉ học, trải qua nhiều ca mổ với những đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần khi chân trái bị cắt gần hết, còn chân phải dù dần có hình hài nhưng không thể trở lại như xưa.
Với chân phải yếu, thường xuyên đau nhức, cùng chiếc xe lăn, Hồng cũng đã cố gắng tập làm quen để tự làm một số việc cá nhân nhưng rất khó khăn, phải phụ thuộc vào người nhà trợ giúp, chăm sóc…
“Con rất mạnh mẽ, lạc quan nhưng đôi khi thấy nhiều người chỉ nằm vài tháng có thể đi lại được, trong khi con hoàn toàn không thể nên rất áp lực. Chỉ mỗi việc đơn giản như vệ sinh cá nhân cũng phải có người giúp đỡ.
Đợt rồi sức khỏe con không tốt, hay ốm. Bây giờ con có bố mẹ lo nhưng còn có các em nữa, sau này khi bố mẹ già đi thì lúc đó con sẽ như thế nào. Cứ nghĩ đến bố mẹ vất vả con lại rơi nước mắt. Nhiều lúc con nản lòng vô cùng nhưng con không cho phép bản thân được dừng lại…” - Hồng chia sẻ trước khi vào phiên xử.
Nói thêm tại tòa, Hồng cho biết em không muốn làm khó cho bị cáo Hiệp và Công ty Thiên Định. Em chỉ mong được bồi thường, hỗ trợ chi phí lắp chân giả theo quy định và những gì công ty đã hứa khi tai nạn mới xảy ra.
Có chân giả, em có thể đi học tại trường khuyết tật ở TP.HCM, tự tìm kiếm một việc làm phù hợp với sức khỏe, thể trạng để có thể tự lo cho bản thân sau này.
“Em rất muốn lắp chân giả để có thể đi học, tìm kiếm một việc làm sau này để tự lo cho bản thân” - Hồng chia sẻ.
Doanh nghiệp từ chối bồi thường vì khó khăn
Tại phiên tòa, khi được HĐXX hỏi, Hồng bày tỏ mong muốn Công ty Thiên Định sớm hỗ trợ em chi phí lắp một cái chân giả. Bởi sau khi có chân, em sẽ phải tập làm quen dần trước khi có thể bắt đầu theo học ở môi trường mới, cuộc sống mới.
Luật sư đại diện cho Hồng cũng trình bày do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chi phí lớn nên hiện tại Hồng chưa thể lắp chân giả. Bị hại yêu cầu công ty là người chịu trách nhiệm chính bồi thường chi phí lắp chân giả cùng một số khoản khác với tổng số tiền hơn 1,3 tỉ đồng.
Trong đó, về chi phí lắp chân giả, phía bị hại đã liên hệ để xin bảng báo giá của một công ty chuyên cung cấp mặt hàng đặc biệt này tại Việt Nam. Có bốn mức giá, trung bình là 1 tỉ đồng để làm căn cứ yêu cầu mức bồi thường.
Về phía Công ty Thiên Định, hiện công ty này chỉ mới bồi thường cho Hồng 80 triệu đồng.
Tại phiên tòa, mặc dù thừa nhận việc lắp chân giả của Hồng là chi phí hợp lý nhưng công ty khẳng định chỉ chịu hỗ trợ một số khoản khác, riêng chi phí lắp chân giả và trợ cấp suốt đời cho Hồng thì không đồng ý.
Lý do được công ty này đưa ra là vì họ cũng khó khăn, không có tiền và chưa biết sẽ hoạt động đến lúc nào.
Còn bị cáo Hiệp thì nhận tội nhưng không có tiền để bồi thường. Bị cáo hứa sau khi chấp hành án xong sẽ đi làm và chu cấp cho Hồng trong khả năng của mình.
Trước sự từ chối của Công ty Thiên Định, chủ tọa đã hỏi lại Hồng để đưa ra ý kiến và mức bồi thường khác. Đến đây, Hồng đã thay đổi yêu cầu bồi thường từ 1 tỉ xuống còn 500 triệu đồng.
Tuy nhiên, một lần nữa Công ty Thiên Định vẫn từ chối bồi thường dù được HĐXX đánh giá đây là mức hợp lý và là sự nhượng bộ của phía bị hại.
Lúc này, Hồng thể hiện sự thất vọng khi thiện chí của mình không được đáp lại nên đề nghị HĐXX xử đúng theo quy định, giữ nguyên yêu cầu bồi thường ban đầu là 1 tỉ đồng cho chi phí lắp chân giả.
Kết thúc phiên tòa, bị cáo Hiệp bị tuyên mức án ba năm tù. Đồng thời bị cáo Hiệp và Công ty Thiên Định bị buộc liên đới bồi thường một số khoản theo yêu cầu của bị hại với tổng số tiền hơn 269 triệu đồng…
Đối với yêu cầu xem xét chi phí lắp chân giả, HĐXX cho rằng do trong quá trình tố tụng Hồng chưa lắp chân giả và chưa cung cấp được đầy đủ các chứng từ nên chưa có căn cứ để chấp nhận khoản bồi thường này.
Do đó, HĐXX quyết định tách phần chi phí lắp chân giả và bồi thường tổn hại sức khỏe, các lần mổ để giải quyết ở một vụ án khác.
Việc lắp chân giả là hợp lý
Trong suốt quá trình diễn ra phiên tòa, từ HĐXX đến vị đại diện VKS đều rất đồng cảm với hoàn cảnh của Hồng.
Chủ tọa phiên tòa khẳng định thương tật của Hồng đến 87% sẽ gây khó khăn cho em trong suốt quãng đời sau này.
Việc lắp chân giả là hợp lý và là chi phí thật để giúp em có thể sớm ổn định cuộc sống, học tập và lo cho tương lai sau này.
Ngoài ra, vị đại diện VKS cũng chia sẻ: “Tôi đã từng tham gia xét xử rất nhiều vụ án nhưng đây là vụ án khiến tôi đau lòng nhất khi nhìn vào hoàn cảnh của cháu Hồng”.